Đất vả người Mỹ Lộc

0
3634

Làng Mĩ Lộc xưa tên là Mĩ Huệ, thuộc huyện Tân Minh, phủ Nam Sách, trấn Hải Dương. Năm 1789, Nguyễn Huệ lên ngôi Hoàng đế. Tránh tên huý của Vua, làng đổi tên Mĩ Lộc. Năm 1820, Vua Minh Mạng lên ngôi, huyện Tân Minh đổi là Tân Miêng, sau đổi thành Tiên Lãng. Ngày nay, Mĩ Lộc thuộc xã Tiên Thắng, huyện Tiên Lãng, Thành phố Hải Phòng.

dat-va-nguoi-my-loc
Đất vả người Mỹ Lộc

II/ THĂNG TRẦM LỊCH SỬ ĐẤT MỸ LỘC

Là làng quê đồng bằng ven biển được hình thành từ vùng đất sa bồi có diện tích tự nhiên gần 500ha.

Phía Bắc giáp sông Văn Úc, phía Đông giáp xã Hùng Thắng, phía Tây giáp làng Lộ Vẹt và làng Sơn Đông. Là một cộng đồng dân cư gần một nghìn gia đình với trên bốn nghìn khẩu, gồm 37 họ, chi, ngành, phái thuộc 17 danh tộc ở trên địa bàn 6 khu dân cư.

Trải qua bao cuộc thăng trầm lịch sử, người dân nơi đây luôn đoàn kết đấu tranh với thiên nhiên, chống lại giặc thù, cần cù lao động, chăm lo xây dựng cuộc sống, xây dựng quê hương.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, trong cuộc đấu tranh trường kỳ gian khổ và vô cùng anh dũng của dân tộc, hàng ngàn người Mĩ Lộc đã lên đường đánh giặc, tham gia các tổ chức cách mạng hoặc vào du kích chiến đấu bảo vệ quê hương.

Trong 9 năm kháng chiến chống Pháp, Mĩ Lộc là vùng tạm chiếm. Địch lập Tề và xây dựng nhiều đồn bốt ở bến Sứa, Miếu Nhội và khu vực đầu làng. Chúng tổ chức các cuộc càn quét để tìm bắt cán bộ, cướp của, giết người, khủng bố dân làng hết sức tàn bạo nhưng người Mĩ Lộc vẫn một lòng kiên trung với cách mạng, hết lòng che chở và nuôi giấu, bảo vệ cán bộ, đồng thời tích cực tổ chức lực lượng du kích chiến đấu, kiên cường bám trụ, giữ đất, giữ làng, góp phần cùng quân dân Tiên Lãng phá càn thắng lợi 28/8/1953.

Trong kháng chiến chống Mĩ cứu nước, thực hiện phong trào thi đua 3 nhất: “Thanh niên 3 sẵn sàng”, “Phụ nữ 3 đảm đang:, “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả vì Miền Nam ruột thịt” … lớp lớp con em Mĩ Lộc lại lên đường đánh Mĩ, người ở lại ngày đêm tích cực lao động sản xuất và chiến đấu, chi viện sức người, sức của cho tiền tuyến, thực hiện khẩu hiệu “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”. Trải qua hơn 30 năm chiến đấu gian khổ và ác liệt, 91 người con quê hương đã anh dũng hy sinh trên khắp các mặt trận trong các cuộc chiến tranh chống Pháp, chống Mĩ, bảo vệ Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế. Nhiều đồng chí rèn luyện phấn đấu, trưởng thành được thăng cấp quân hàm sĩ quan quân đội và công an nhân dân. Hàng trăm đồng chí là thương binh, bệnh binh đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ từ các mặt trận trở về quê hương Mĩ Lộc xây dựng cuộc sống mới.

Cuộc đấu tranh chống ngoại xâm do Đảng lãnh đạo là cuộc chiến tranh nhân dân, toàn dân tham gia đánh giặc. Do có nhiều công lao đóng góp vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, Mĩ Lộc có hàng trăm người được tặng thưởng Huân chương chiến công và Huy chương kháng chiến các loại. 5 bà mẹ được phong tặng danh hiệu “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”.

Trong lao động và học tập, Mĩ Lộc là vùng quê có truyền thống hiếu học, các bậc khoa bảng thời nào cũng có. Cách đây gần 500 năm ở trang Mĩ Huệ có gia đình thầy khoá Đoàn Văn Túc sinh được 5 người con đều học hành giỏi giang và đỗ đạt, trong đó có người con thứ hai của thầy đã đỗ đại khoa được khắc bia đá ở Văn miếu Quốc Tử Giám – Hà Nội là Đoàn Kim Sơn đỗ Đệ tam Hoàng giáp đồng Tiến sĩ khoa thi năm Kỉ Sửu đời Mạc Mục Tông 1589. Ngài làm quan giám sát ngự sử dưới triều nhà Mạc, chức danh như Viện trưởng Viện kiểm sát tối cao ngày nay.

Là trung thần không thờ 2 Vua, khi nhà Mạc suy vong, nhà Lê dụ dỗ mua chuộc nhưng ngài vẫn mộ quân chống lại, khi quân triều đình đuổi ngài lên ngựa chạy tới rừng Chè Le bị quân triều đình giết hại, xác trộn trong bùn máu. Sau này, mỗi người dân qua đây đều đặt vào hòn đất dần dần trở thành gò cao gọi là mả Nghè. Con cháu ngài bị tầm lã phải thay tên, đổi họ nên mới có câu Đoàn Cải Vi Cao. Ngày nay, họ Cao ở Mĩ Lộc chính là họ của Đoàn Kim Sơn. Số phận ngài đã ở đỉnh vinh quang rồi lại xuống tột cùng cay đắng. Do thời thế thay đổi, trong phú huý khấn về ngài vẫn có câu: “Sống vi tam giáp, hoá vi thần”, “Công lịch tại triều, phong tại thánh”. Với quê hương Mĩ Lộc, ngài là người đầu tiên có học vị cao nhất của làng dưới thời phong kiến. Hiện này làng Mĩ Lộc có hàng trăm người người có trình độ cao đẳng, đại học, nhiều người có bằng thạc sĩ, tiến sĩ, nhiều người là cán bộ trung, cao cấp của Đảng, giữ vị trí chủ chốt ở các cơ quan, đơn vị quân đội, doanh nghiệp Nhà nước và ở địa phương. Nhiều người lao động sáng tạo đã làm giầu ngay trên quê hương, là chủ các cơ sở sản xuất chế biến gỗ, làm gạch ngói, nghề cơ khí, chủ các vùng nuôi trồng thuỷ sản có thu nhập cao, nhiều gia đình xây được nhà cao tầng với kiến trúc đa dạng tạo cho Mĩ Lộc vẻ đẹp phong phúc của làng quê thời đổi mới. Là một trong ba làng lớn trong huyện nhưng Mỹ Lộc được toàn diện hơn. Có thể nói về 3 điều nhất của làng là: Một trong những làng có số dân đông nhất, được sử dụng lưới điện quốc gia ở nông thôn sớm nhất, là địa phương đầu tiên và duy nhất thực hiện quy hoạch nông thôn mới ở miến Bắc nước ta.

Ghi chú: Tên làng Mĩ Lộc xưa thời Lý gọi là Mĩ Huệ trang, thời Lê là tổng Mĩ Huệ, có thời là xã Mĩ Huệ. Lịch sử thời các Vua Hùng, Tiên Lãng thuộc bộ Dương Tuyền, thời thuộc Hán thuộc đất huyện Câu Lâu. Thời Lý – Trần thuộc Lộ Hồng Châu. Thời Thuộc Minh (Thế kỉ 15) Tiên Lãng và Thanh Hà là một huyện tên là Bình Hà. Năm Quang Thuận thứ 10 (1469) Bình Hà tách làm 2 huyện là Tân Minh và Thanh Hà thuộc tỉnh Hải Dương. Tên gọi đầu tiên của huyện Tiên Lãng là Tân Minh, sau đổi là Tân Miêng đến đời Vua Thành Thái (1889) đổi là Tiên Lãng. Ngày 20 tháng 4 năm 1893, Tiên Lãng tách từ Hải Dương nhập vào Thành phố Hải Phòng. Ngày 30 tháng 1 năm 1898, Tiên Lãng thuộc tỉnh Kiến An. Ngày nay Tiên Lãng là một huyện của Thành phố Hải Phòng.

II/ LỊCH SỬ CÁC ĐỀN, MIẾU, ĐÌNH, CHÙA CỦA LÀNG

Mĩ Huệ xưa là làng quê trù phú có nhiều cây đại thụ và 9 công trình kiến trúc lớn là các đền, miếu, đình, chùa được xây dựng dưới các vương triều phong kiến từ thời Lý – Trần – Lê đến triều Nguyễn. Đặc biệt nổi tiếng có chùa Vọng Phúc là một trong những ngôi chùa đẹp và lớn nhất vùng Duyên Hải. Trong một bản đồ quân sự của Pháp in vùng Mĩ Lộc tỷ lệ 1/1000 có ghi chúc chùa Vọng Phúc là một trong bẩy ngôi chùa đẹp và lớn nhất Bắc Kỳ (bản in năm 1932).

Đền Gảnh:

Xưa làng có 2 ngôi đền là đền Gảnh và đền Miễu. Đền Gảnh ở bãi Gảnh Chè chưa rõ xây dựng từ thời nào? Đây là một ngôi đền lớn kiến trúc kiểu chữ đinh, có 1 gian vọng cung và 3 gian bái đường làm bằng gỗ lim, cột to cỡ thùng gánh nước, 2 trái có sàn gỗ. Đền Gảnh thờ Hưng Nhượng Vương Trần Quốc Tảng, ngài là con trai thứ ba của Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn được giao nhiệm vụ trấn ải toàn bộ vùng sông biển của nước ta. Nơi đồn trú là Thương cảng Vân Đồn – Quảng Ninh. Trong một đêm giông ngài bị tử nạn trên sông Mang, xác trôi vào bãi Vườn cam Cẩm Phả, mộ chôn ở đồi Cửa ông, đền Cửa ông là nơi thờ chính của ngài. Vì tử nạn trên sông nên các văn tế đều thỉnh ngài là Bạt Hải Đại Vương. Hiện nay ở vùng cửa sông các tỉnh phía Bắc thường gặp đền miếu thờ Bạt Hải Đại Vương chính là thờ một vị quan của triều đình quản lý vùng sông biển nước ta thời nhà Trần. Đền Gảnh là 1 trong 16 đền miếu thờ vong Hưng Nhượng Vương Trần Quốc Tảng Bạt Hải đại Vương (Kiêng tên huý Trần Quốc Tảng lúc khấn).

Đền Gảnh bị đạn pháo địch tàn phá năm 1949. Năm 1957, cụ Đồng Thơm phát tâm xây dựng lại nhằm giữ nơi điểm chấn của cha ông ta xưa nhưng nhỏ hơn nhiều chỉ như một am thờ, hướng cũng có chút thay đổi. Do công trình ngày càng xuống cấp nghiêm trọng, năm 2005, ông Cao Xuân Bình đã đầu tư hàng trăm triệu đồng để xây dựng lại, tuy không được như nguyên bản nhưng cũng phần nào giữ được hào khí của cha ông ta xưa. Đôi câu đối cũ ở đền được cụ khoá Kểnh ghi lại, cụ Đùng dấn chữ là:

Hải hà tú trung thượng đẳng thần

Sơn xuyên anh dục trần gia khánh.

Đền Gảnh sau khi bị địch tàn phá, 2 sắc phong còn sót lại được chuyển về đình Mĩ Lộc. Năm 1966 chuyển về miếu nhội. (Có người viết: ở đây có tượng trôi vào làng thấy anh minh nên lập miếu thờ và suy tôn là thành hoàng làng).

Đền Miễu:

Đền Miễu ở gò Miễu thuộc địa phận làng Lộ Vẹt hiện nay. Đền Miếu thờ nữ thần Tạ Huy Thân là nữ tướng của hai Bà Trưng. Bà là con gái một gia đình họ Tạ ở Tiên Minh đã chiêu mộ hàng ngàn quân sĩ theo Trưng Vương phất cờ khởi nghĩa đánh quân Đông Hán lấy được 62 thành trì, bà được phong là Đoàn Dung công chúa. Sau này cuộc khởi nghĩa thất bại bà về quê, khi bà mất, xác hoá tại Gò Miễu. Dân lập đền thờ bà. Theo sách đại Nam Nhất Thống Chí có viết về Ngô Tuấn thức Lý Thường Kiệt trên đường từ Thanh Hoá ra Thăng Long đã tới dâng hương tại đền Miễu, đêm ấy nghỉ tại trang Mỹ Huệ được thần báo mộng: “Ta là nữ tướng của Trưng Vương sẽ phù hộ cho tướng quân đánh thắng địch trên đất Châu Khâm”. Sau khi quân sang phá tan sào huyệt của giặc Tống ở đất Trung Quốc, Lý Thường Kiệt đã dâng sớ tâu và được Vua Lý phong cho Tạ Huy Thân là bách thần, nghĩa là 1 trong 100 vị thần âm có linh ứng, tiếp tục giao cho trang Mỹ Huệ quản lý và thờ cúng. Đến đời Vua Thành Thái năm Canh Tý (1900) đến Miễu được giao cho dân làng Lộ Đông quản lý và thờ cúng, nay chuyển về thờ tại đình Lộ Đông – một di tích lịch sử cấp Thành phố.

Miếu Vô Linh:

Miếu Vô Linh ở gần bến An Tháp (Bến Sứa). Theo di ngôn đây là miếu thờ một người độc thân ở họ Vũ là nghĩa quân của bà Mõ, khi về tới đây gặp cơn giông bị sét đánh chết nhưng rất thiêng được dân làng lập miếu thờ gọi là miếu Vô Linh. Do dòng sông bị sói lở nên ngôi miếu này không còn nữa. Năm 2008 ông Lưu Quang Nhoá phát tâm xây lại ngôi miếu này bên cây gạo đỏ ven sông Văn Úc. (Có người viết đây là miếu Vua Minh thờ con Vua Thuỷ Tề).

Miếu Vua Bà:

Đầu làng Mỹ Huệ có miếu Vua Bà còn gọi là miếu Thánh Mẫu. Miếu Vua Bà thờ thái hậu từ linh nhiếp chính Ỷ Lan tên thật là Lê Thị Yến quê ở Dương Xá, thuộc Gia Lâm – Hà Nội. Đền Dương Xá nay là nơi thờ chính của bà. Miếu thánh mẫu ở Mĩ Lộc là 1 trong 72 đền miếu thờ vọng bà ở Việt Nam. Sau khi chùa Vọng Phúc bị tiêu huỷ, miếu Vua Bà được sử dụng làm chùa lấy tên là chùa Thắng Phúc vừa thờ Phật và Nguyên phi Ỷ Lan. (Có người viết miếu Vua Bà thờ Ngọc Hoa là nữ tướng của Ỷ Lan).

Miếu Nhội:

Miếu Nhội còn có tên là miếu Hội ở gần hai cây gạo đỏ cuối làng Mĩ Lộc. Xưa làng tổ chức hội ở đây có trồng đu dưới tán cây gạo và tổ chức thi đấu cờ người ở sân miếu.

Nhiều làng quê chỉ có đình và chùa, chùa thờ phật, đình thờ thần hoàng. Mĩ Lộc là một làng đông dân có đình to, chùa lớn, lại có nhiều đền, miếu thờ các vị thần được sắc Vua ban. Miếu Nhội là nơi thờ thần hoàng bản thổ của làng. Theo di ngôn thì xưa miếu Nhội chỉ là nhà tranh vách đất, đến thời Vua Khải Định làng mới xây dựng như kiến trúc hiện nay. Do tình trạng miếu Nhội ngày một xuống cấp nghiêm trọng, năm 2002 gia đình bà Phạm Thị Lột ở khu 3 và các nhà hảo tâm đã đầu tư gần 20 triệu đồng để làng tu sửa lại. Theo đánh giá của giới chuyên môn, miếu Nhội là công trình xây dựng từ thời Nguyễn nhưng các hoa văn, rồng phượng đắp vẽ chưa có nét đặc trưng của triều Nguyễn. Đây không phải lỗi ở các nhà hảo tâm mà do các nghệ nhân chưa xem xét tính đặc thù trong nghệ thuật kiến trúc ở mối triều đại thời phong kiến. Hai cây gạo đỏ bên miếu đã có kĩ sư lâm sinh đo cây và ước tính không dưới 700 năm nhưng cũng chưa tới 800 tuổi.

Miếu Quận:

Gần chùa Vọng Phúc xưa có một ngôi Miếu lớn gọi là miếu Quận. Miếu thờ Cửu Luỹ Thổ Hoàng huý Ngọc Hoa người của Hoàng tộc nhà Lê. Hàng năm, các quan tỉnh Hải Dương phải về tế lễ rất chu đáo. Khi thành lập tỉnh Phù Liễn sau đổi tên Kiến An, việc hành lễ do quan lại tỉnh Kiến An đảm nhiệm. Chính quyền phong kiến Việt Nam dần trở thành chế độ bù nhìn tay sai của thực dân Pháp. Do việc tế lễ cầu kỳ tốn kém và tình hình ngày một khó khăn, các quan lại tỉnh không về tế lễ nữa. Miếu Quận cũng tiêu huỷ trong thời kỳ kháng chiến. Sắc phong Cửu luỹ Thổ Hoàng huý Ngọc Hoa được chuyển về đình Mĩ Lộc 7 đạo sắc.

Miếu Thần Linh:

Năm 1967 theo quy hoạch của địa phương, làng Mĩ Lộc quy tập mồ mả từ nghĩa địa Ngõ Cổng về nghĩa trang mới ở xứ Đa Nông, đất cát táng được chia theo dòng họ. Việc quy hoạch tuy được tập trung về một nơi quy định nhưng chưa thống nhất, chưa gọn. Nhiều chỗ còn lộn xộn, thậm chí có nơi còn chồng chéo nhau. Mặc dù là một nghĩa trang lớn nhưng các gia đình ở Mĩ Lộc khi có việc cúng tế thần linh thường phải làm trực tiếp trên mộ phần của tổ tiên và gia đình là rất bất tiện vì nghĩa trang không có miếu thần linh.

Trước thực trạng trên, ông cao Xuân Bình đã xin phép chính quyền và được sự đồng ý của ban vận động xây dựng làng văn hoá Mĩ Lộc, ông đã xây ngôi miếu thần linh. Công trình được xây dựng và hoàn thành vào vào cuối tháng 10 năm Canh Dần (2010). Việc xây dựng, tu sửa các công trình như đình, chùa, đền, miếu ở Mĩ Lộc xưa nay được sử dụng từ nguồn kinh phí xã hội hoá. Từ ngày khai trương xây dựng làng văn hoá đến nay đã có nhiều người ủng hộ, đóng góp công sức, tiền của rất lớn cho quê hương. Trong số những người tiêu biểu ấy có 3 người anh của ông Bình là Cao Bá Đáo, Cao Bá Cược, Cao Bá Thái đã cúng tiến đình Mĩ Lộc và chùa Thắng Phúc nhiều trăm triệu đồng. Riêng ông Bình sau khi xây dựng lại đền Gảnh ở bãi Gảnh Chè, miếu Thần Linh là công trình thứ 2 ông xây dựng cho làng. Năm 2011 ông bơm cát lập mặt bằng xây dựng tiếp 5 gian nhà thờ ở đền Gảnh để phục vụ cho du khách đến làm lễ ở đền. Công trình dự toán phải đầu tư hàng trăm triệu đồng.

Đình làng Mĩ Lộc:

Trong tâm linh người Việt, chùa thờ Phật, điện thờ thánh, đền thờ thần, miếu thờ thành hoàng. Đình là nơi thờ chung, là trụ sở của chính quyền phong kiến, là nơi vua quan đi kinh lý dừng lại nghỉ ngơi.

Ở Mĩ Lộc có 2 ngôi đình lớn gọi là đình trong và đình ngoài. Cách đây hơn 400 năm ở trên nền đất nhà văn hoá làng Mĩ Lộc hiện nay, làng dựng lên một ngôi đình gọi là đình trong, kiến trúc theo chữ đinh có vọng cung và 5 gia bái đường làm kiểu lòng cống. Toàn cột lim đường kính to cỡ 45 – 50 cm. Đến thời Vua Thành Thái làng xây tiếp đình ngoài 8 gian với nhiều cột lim cỡ 2 người ôm không xuể. Nền đình làm sàn gỗ cao cách đất hàng mét, 2 ngôi đình liền kế nhau có sức chứa tới 700 – 800 người. Thời ấy, các vị chức sắc ở tổng, ở huyện đều công nhận đình Mĩ Lộc là đẹp và lớn nhất tỉnh Kiến An.

Thời kỳ xây đình ngoài, làng đánh giá cao vai trò của Lý Tượng tức Ngô Xuân Chính. Ngài làm lý trưởng được dân trong làng ngoài tổng rất nể trọng, ngài huy động dân làng đóng góp xây dựng đình ngoài lớn gấp bội lần so với đình trong. Thời ấy ở ngoài Bắc có cuộc khởi nghĩa Đốc Tít do tướng Nguyễn Thiện Thuật tổ chức để chống thực dân Pháp. Phong trào lan rộng từ Móng Cái đến Hải Dương. Sau 7 năm, cuộc khởi nghĩa thất bại. Ngày 12 tháng 8 năm 1889, thủ lĩnh nghĩa quân bị thực dân Pháp bắt đày sang Angiêri, những người tham gia tổ chức của nghĩa quân bị kẻ địch săn lùng, khủng bố do có người làng mật báo ngài đã vào “Hội kín” do phong trào này tổ chức. Ngày 23 tháng 10 năm 1902, thực dân Pháp bắt 2 anh em cụ lên khu vực nay là ngã 3 sông Mới để xử bắn và hất xác xuống sông Văn Úc trôi về tới đền Gắm gia đình mới tìm thấy để lo việc chôn cất. Có thể nói Lý Tượng là người đầu tiên của Mĩ Lộc và cũng là người đầu tiên của Tiên Thắng chống thực dân Pháp. Nếu tìm hiểu kĩ lịch sử huyện Tiên Lãng có thể khẳng định Lý Tượng cũng là những người đầu tiên ở Tiên Lãng chống thực dân Pháp xâm lược.

Hai ngôi đình xưa của Mĩ Lộc nếu còn đến ngày nay sẽ là một trong những ngôi đình lớn nhất của Hải Phòng. Do chiến tranh năm 1954 phá dỡ đình ngoài, năm 1966 tháo dỡ tiếp đình trong, các đồ thờ, tế lễ cho là cần thiết phải để lại được chuyển về miếu Nhội, đến nay còn lại 112 hiện vật cổ được thẩm định lập hồ sơ lưu trữ. Những đồ thờ là gốm sứ không tính đến do vỡ, hỏng. Còn nhiều cổ vật có giá trị mất không rõ nguyên nhân và thời gian. Như quan tri huyện Kỳ Văn là Ngô Xuân Phổ cúng về làng 2 bức đại tự nay chỉ còn lại 1 bức là bức “Thượng đẳng tối linh”, bức “Thánh cung vạn tuế” không còn. Đây cũng là bức đại tự cổ nhất đình làng, rất tiếc bộ thần phả không còn, nhiều ống sắc phong chỉ còn vỏ. Quyển văn tế trào của làng nay cũng không rõ tung tích. Có thể nói đây là tổn thất vô cùng lớn của làng Mĩ Lộc về tài sản văn hoá tinh thần. Trong văn bia đình Mĩ Lộc dựng ngày lành tháng 10 năm Cảnh Hưng 15 (1754) có ghi 9 người cúng tiến điền ruộng và nhiều quan tiền để chi phí lễ và các việc thờ cúng ở đình và xin được thờ là hậu thần đình Mĩ Lộc.

Theo di ngôn của các cụ, đền Gảnh và miếu Quận đều có sắc thờ, sau khi các đền miếu này bị chiến tranh tán phá hoặc huỷ hoại do thời gian, các đạo sắc được chuyển về thờ tại đình Mĩ Lộc. Hiện nay đình Mĩ Lộc thờ Ngũ Linh Từ là 5 vị thần có 22 sắc phong của 11 đời vua từ thời Lê đến triều Nguyễn. Năm 2006 đình Mĩ Lộc (Miếu Nhội) được công nhận là di tích lịch sử cấp Thành phố.

Ghi chú: Sông Mới đào từ năm 1936, vị trí Pháp xử bắn anh em Lý Tượng sau này chính là đoạn ngã 3 sông Văn Úc.

Sắc phong 5 vị thần được lưu giữ hiện nay gồm:

1- Cao Sơn Đại Vương huý Tuấn: 10 sắc phong.

2- Phù Rô Trấn Cảnh Bạt Hải Tôn Thần huý Rô: 1 sắc phong.

3- Cửu Luỹ Thổ Hoàng huý Ngọc Hoa: 7 sắc phong.

4- Tiên Chế Tích Dương Thành Quốc Công: 2 sắc phong.

5- Long Thần Bạt Hải đại Vương huý Tảng: 2 sắc phong.

Bình luận bài viết

Please enter your comment!
Please enter your name here