Chùa Thái Bình tổ chức lễ đúc Đại Hồng Chung và Khánh đồng tại

0
317

Sáng ngày 01/05/2022 (nhằm ngày 01/04 năm Nhâm Dần), tại Đền, chùa Thái Bình, xã Trấn Dương, huyện Vĩnh Bảo, thành phố Hải Phòng đã long trọng diễn ra lễ đúc Đại Hồng Chung nặng 700kg và đúc Khánh đồng nặng hơn 300kg nhân kỷ niệm Đại lễ Phật đản PL. 2566 – DL. 2022.

b (2)

Quang lâm chứng minh và tham dự buổi lễ có Thượng tọa Thích Quảng Minh –  Ủy viên thường trực, trưởng Ban văn hóa GHPGVN thành phố Hải Phòng, Trưởng Ban trị sự GHPGVN huyện Tiên Lãng; Đại đức Thích Tục Thông – Phó Ban trị sự GHPGVN huyện Tiên Lãng; Đại đức Thích Bản Tâm – Phó Ban trị sự GHPGVN huyện Vĩnh Bảo; Sư cô Thích Diệu Linh – Trụ trì chùa Thái Bình, cùng đại diên chư tôn đức Tăng Ni trụ trì một số chùa trên địa bàn huyện Vĩnh Bảo và huyện Tiên Lãng, thành phố Hải Phòng.

Về phía khách mời chính quyền có sự hiện diện của các ông bà lãnh đạo đại diện cho các cấp uỷ Đảng thuộc HĐND, UBND, UB MTTQVN huyện Vĩnh Bảo, xã Trấn Dương, các sở, ban ngành trên địa bàn thành phố, cùng đông đảo quý Phật tử và nhân dân địa phương.

b (1)

Chùa Thái Bình ( Thái Bình Tự) nằm trên địa bàn xã Trấn Dương, huyện Vĩnh Bảo, chùa được xây dựng từ đời nhà Mạc do chính Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm cắm đất dựng chùa. Chùa nằm trên một khu đất rộng tách bạch với khu vực dân cư vùng ven biển. Chùa được xây dựng theo kiến trúc 3 tầng 8 mái sừng sững nhưng lại rất mềm mại bởi sự uyển chuyển của những mái đao cong vút. Chùa đã được xếp hạng Di tích lịch sử cấp Quốc gia.

Chùa chính quay hướng Tây, có quy mô vừa phải, gồm ba tòa nhà bố cục theo kiểu “ tiền nhất hậu đinh” với 5 gian tiền đường, 3 gian trung đường và 1 gian hậu cung. Hiện trong chùa còn lưu giữ được nhiều di vật, đồ thờ có giá trị, như: chuông đồng Tây Sơn (1798) cùng hệ thống tượng pháp rất đẹp, trong đó có pho tượng Phật Thích Ca Tuyết Sơn được các nhà nghiên cứu đánh giá có giá trị rất cao về mặt nghệ thuật. Tượng nhỏ vừa phải (cao 60 cm, vai rộng 24 cm, là một trong những tác phẩm điêu khắc đẹp của nghệ thuật dân tộc thế kỷ 19. Kiểu dáng pho tượng có nhiều điểm tương tự như pho Tuyết Sơn chùa Đậu (Thường Tín, Hà Nội).

Trải qua thời gian hơn 700 năm, chùa đã nhiều lần sửa chữa vào những năm 1940, 1960. Gần đây nhất là vào năm 2009 được sự quan tâm của các cấp Giáo hội và chính quyền địa phương, chùa Thái Bình đã được chính thức tu bổ, sửa chữa, trùng tu lại. Song do biến thiên thăng trầm của thời gian và lịch sử, nhiều hạng mục công trình của chùa đã bị xuống cấp trầm trọng, như chuông đồng, hệ thống tượng Phật bên trong chính điện của chùa. Chính vì vậy, Thượng tọa Thích Quảng Minh đã đứng lên vận động xã hội hóa, kêu gọi các nhà hảo tâm, các mạnh thường quân, các Phật tử, người góp công, người góp của cùng với Sư cô trụ trì tổ chức lễ đúc Đại Hồng Chung nặng hơn 700kg và đúc khánh đồng nặng hơn 300kg.

Sau khi Đại hồng chung và khánh đồng đúc xong sẽ được treo tại gác chuông trước cổng Tam Quan chùa Thái Bình, để hàng ngày, mỗi khi tiếng chuông, tiếng khánh vang lên, sẽ đánh thức Phật tính trong mỗi chúng ta. Ngoài ra, tiếng chuông chùa còn giúp chúng ta thức tỉnh bản giác của con người. Đó là tính thiện, tính từ bi – hỷ xả, đó là sự vô ngã và lòng vị tha… Thức tỉnh những gì tốt đẹp nhất trong mỗi con người, mà đôi khi vì áp lực cuộc sống vì mưu sinh vì tham si, sân hận đã vô tình làm chúng ta lãng quên đi. Tiếng chuông chùa còn đưa ta về cái nhất tâm, giúp chúng ta từ bỏ những điều ác, hướng tới những việc thiện lành để cho bản thân, gia đình mình và xã hội được tốt đẹp hơn. Hơn thế nữa, tiếng chuông còn nhắc nhở chúng ta bớt toan tính để sống với nhau tốt hơn. Góp phần xây dựng một xã hội văn minh, một xã hội tốt đẹp mà chỉ có tình người tồn tại giữa con người với con người mà thôi. Do đó, chuông chùa là một pháp khí tối quan trọng trong Phật giáo, mỗi ngôi chùa Việt đều không thể thiếu đi tiếng chuông chùa vào những buổi chiều tà hay những dịp lễ tết…

Tại buổi lễ, Thượng tọa Thích Quảng Minh đã cùng chư tôn đức Tăng Ni và các cấp chính quyền địa phương, các sở ban ngành tổ chức lễ dâng hương, bạch Phật, lễ gia trì, chú nguyện, rót đồng đúc đại hồng chung và đúc khánh; cầu nguyện thế giới hòa bình, chúng sinh an lạc, dịch bệnh tiêu trừ và Phật pháp được trường tồn cùng với thời gian.

Trước khi kết thúc buổi lễ, chư tôn đức chứng minh đã tổ chức lễ Mộc dục ( tắm Phật) theo nghi thức truyền thống của Phật giáo nhân kỷ niệm Đại lễ Phật đản PL. 2566 – DL. 2022 trong không khí hoan hỷ, ấm tình đạo vị.

Được biết, trước đó ngày 30/04/2022, Ban trị sự GHPGVN xã Trấn Dương đã tổ chức lễ cầu siêu, tưởng niệm các anh hùng Liệt sỹ, bà mẹ Việt Nam anh hùng, đồng bào, nhân dân tử nạn trong 2 cuộc chiến tranh chống thực dân Pháp và Đế quốc Mỹ nhân kỷ niệm 47 năm ngày giải phóng Miền Nam, thống nhất Đất nước.

Sau đây là một số hình ảnh ghi nhận: