Giới thiệu sơ lược về chùa Thắng Phúc

0
10004

Thắng Phúc là một ngôi chùa lớn được nhà Lý xây dựng để an trấn vùng Duyên hải của Đại Việt. Đây là một công trình Phật giáo lớn toạ lạc ven dòng sông Văn Úc cạnh bến đò An Tháp, địa phận trang Mĩ Huệ thuộc Lộ Hồng Châu. Chùa được làm bằng gỗ lim cột lớn, lợp ngói mũi gồm 87 gian xây dựng theo kiểu nội công ngoại quốc rất kiên cố.

Sơ lược về chùa Thắng Phúc

Trong khuôn viên chùa ngoài vườn tháp còn có 2 pho tượng cao 6 -7 mét đứng nhìn ra phía sông, dân thường gọi là tượng Đức ông. Chùa có hồ nước trong và nhiều cây xanh tạo nên vẻ đẹp thanh khiết và huyền ảo nới cửa phật. Sân chùa có tượng các loài thú dữ như voi, hổ, sư tử, cá sấu … đang quỳ chầu thể hiện sự quy phục trước phật pháp. Nội điện có nhiều tượng quý và các đồ thờ đẹp, có giá trị nghệ thuật cao như cửa võng, câu đối, đại tự, hoành phi … đứng trên đê cao nhìn xa thấy hàng trăm gian chùa hoà vào cây xanh bên dòng sông như dải lụa đào uốn lượn trông đẹp như một cung điện thu nhỏ chẳng khác gì cảnh tiên giới giữa trần gian.

gioi-thieu-chua-thang-phuc

Trải qua bao thăng trầm lịch sử, đất nước khi thịnh lúc suy chùa vẫn được giữ gìn, tu tạo. Từ thời Lý đến triều Nguyễn qua 62 đời các vị sư tổ trụ trì chùa vẫn được sửa chữa định kỳ thường xuyên, chiều chiều tiếng chuông chùa dóng dả ngân lên, bay xa như tiếng lòng của người dân quê hương luôn tần tảo lam lũ làm ăn, cầu xin đức Phật mọi sự tốt lành, chúng sinh an lạc.

Dưới thời Pháp thuộc, trụ trì chùa là sư tổ Tự Tâm Cẩn đã động viên tăng ni phật tử hưởng ứng lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Hồ Chủ Tịch. Được sư tổ giác ngộ các đệ tử thân tín. Lời sư tổ dạy: “Nước còn thì đạo còn, nước mất là đạo mất, nay vận nước lâm nguy đạo cũng lâm nguy. Phải cứu nước mới giữ được đạo” Người trẻ tuổi về tham gia bộ đội, du kích đánh giặc, người cao tuổi vào hội “Tăng già cứu quốc”, ủng hộ kháng chiến, nuôi giấu, che chở cán bộ trong các trận càn quét, khủng bố của địch. 5 nhà sư là Hoà thượng Thích Thanh Lãng, sư ông Thích Quảng Tại, sư bác Thích Quảng Hợp, sư bác Thích Quảng Tuệ, Hoà thượng Thích Nguyên Uyển đã tham gia kháng chiến và anh dũng hy sinh, được Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam truy tặng là liệt sĩ. Hoà thượng Thích Nguyên Uyển cũng có 3 pháp tôn là liệt sĩ.

Thắng Phúc là ngôi chùa lớn hàng trăm gian ở ven sông trên bến dưới thuyền. Đây là một đầu mối giao thông quan trọng cả đường thuỷ và đường bộ. Chính vì vậy nếu để địch chiếm và lợi dụng chùa này để tập kết lực lượng, xây dựng đồn bốt, tạo bàn đạp tấn công vùng tự do miền duyên hải sẽ rất nguy hiểm cho chiến lược quân sự của ta. Thực hiện chủ trương tiêu thổ kháng chiến, chấp hành lệnh của Uỷ ban kháng chiến tỉnh Kiến An và Liên khu 3, chùa Thắng Phúc phải tiêu huỷ, không cho quân địch làm nơi đồn trú. Quán triệt nhiệm vụ trên, các nhà sư đã tạo mọi điều kiện và tuyệt đối bảo đảm bí mật để lực lượng du kích vận chuyển rơm khô đưa vào quấn đầy các cột rồi đốt lửa. Chùa Thắng Phúc nghi ngút cháy hơn chục ngày đêm liền mà lửa vẫn chưa tàn. Người dân Mĩ Lộc nhìn cảnh chùa cháy mà lòng như lửa đốt, nhiều người đã bật khóc vì xót xa, nuối tiếc một ngôi chùa lớn, đẹp như một thiên đường nơi hạ giới đã có gần ngàn năm ở đất này nay không còn nữa. Nhiều tượng đồng, chuông đồng ở chùa đều hiến cho cách mạng để sản xuất vũ khí đánh giặc. Có thể nói đây là sự hy sinh cống hiến vô cùng lớn lao của các thế hệ chư tăng phật tử và người dân Mĩ Lộc đối với sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc của Đảng và Nhà nước ta.
Thật hiếm thấy khi ở Hải Phòng có 9 nhà sư là liệt sĩ thì trên quê hương Mĩ Lộc, ở cùng một nơi sơn môn chốn tổ lại có 5 nhà tu hành đã anh dũng hy sinh trong kháng chiến chống Pháp. Có thể nói đây là ngôi chùa số một trong cả nước có nhiều nhà tu tham gia chống Pháp và hy sinh, trên thân mình các nhà sư máu đào thấm đẫm áo cà sa. Đây không chỉ là niềm tự hào của một làng quê có truyền thống cách mạng mà còn là niềm tự hào của giới tu hành đã hy sinh thân mình cho dân tộc và đạo pháp.

Lịch sử chùa Thắng Phúc

Tìm hiểu Thắng Phúc tự được xây niên đại nào? Ngày tháng năm khởi công và khánh thành không ai biết chính xác, các hồ sơ văn tự có liên quan không còn lưu giữ được. Theo Đại Nam Nhất Thống Chí: Khi các tôn giáo chưa du nhập vào nước ta, trong tâm linh người Việt cổ là đạo gia tiên, thờ tổ tiên, các cụ, ông bà với lòng thành tâm kính là đạo lý uống nước nhớ nguồn. Chính vì vậy đạo lý thờ cúng tổ tiên, các cụ, ông bà, bố mẹ chính là cái gốc của đạo làm người.

Đại Việt sử ký toàn thư chép về đạo Phật với triết lý tu thiện, đoạn ác, con người sống phải biết yêu thương nhau. Từ khi du nhập vào Việt Nam, triết lý đạo Phật phù hợp với tâm linh người Việt cổ, được hoà nhập và phát triển mạnh mẽ. Đặc biệt tới triều Lý, đạo phật rất được quan tâm, không như thời Lê sơ có những ông Vua bạo ngược bày trò dóc mía trên dầu sư làm trò tiêu khiển như Vua Lê Long Đĩnh, ở làng xã bọn cường hào ác bá kiếm cớ đánh đập nhà sư.

Nhà Lý lên ngôi trải qua 8 đời Vua trị vì đất nước 227 năm, từ năm 1009 đến năm 1226. Đến đời Vua thứ 3 Lý Tam Đế tức Vua Lý Nhân Tông đất nước được thái bình, muôn dân trăm họ vui sống làm ăn, nghề canh nông phát triển, các ngành nghề thủ công mỹ nghệ được khuyến khích mở rộng, triều đình rất quan tâm tới đạo Phật, dựa vào đạo Phật để trị vì đất nước. Các nhà sư được ân sủng, đạo Phật đã trở thành quốc giáo, chùa chiền được mở mang xây dựng. Nhiều bậc cao tăng có công với nước, với dân như Lý Quốc Sư, Nguyễn Minh Không …

Theo sử chép, nhà Lý đã chi một trăm ngàn vạn quan tiền để xây dựng 1.000 ngôi chùa ở Việt Nam trong đó có chùa Thắng Phúc thuộc Hải Dương là lớn nhất vùng duyên hải, còn lại chủ yếu được xây dựng ở Bắc Ninh quê hương nhà Lý, phần nhiều làm trên đất Đình Bảng. Ngôi chùa lớn nhất thời nhà Lý là chùa Phật Tích ở Tiên Du, Bắc Ninh. Chùa Phật Tích có hàng ngàn bảo tháp quanh chùa, trong đó có tháp Báo Thiên cao tới 42 mét, đứng ở Hoàng thành Thăng Long những ngày trời quang mây cũng có thể nhìn thấy. Chùa Phật Tích được coi là cái nôi của đạo Phật ở Việt Nam. Chùa Phật Tích nay chỉ còn dấu tích nhưng nó đánh dấu thời kỳ thịnh trị của nhà Lý và sự phát triển mạnh mẽ của đạo Phật ở nước ta.

Các công trình kiến trúc chùa chiền xây dựng từ thời Lý, từ đời Vua thứ 3 Lý Nhân Tông (1072 – 1127). Thời kỳ này nhà Lý cũng xây dựng một ngôi chùa nhỏ và một tháp cao trên núi Đồ Sơn gọi là tháp Tường Long, vừa là nơi thờ Phật và cũng là nơi tháp canh vùng cửa biển. Chùa và tháp nay không còn nhưng các dấu tích xây đế móng tháp đều là gạch nung có niên hiệu Lý Tam Đế như ở chùa Phật Tích. Căn cứ vào các dấu tích về các ngôi chùa lớn xây dựng từ thời Lý, dựa vào bản dịch từ các bia ký ở chùa làng và dấu tích gạch xây đế móng chùa cũ có niên hiệu Lý Tam Đế để so sánh và nhận định chùa Thắng Phúc được xây dựng vào khoảng năm 1115 hoặc 1117, thời gian xây dựng từ 15 – 20 năm. Các triều đại sau đạo phật vẫn được mở mang và phát triển, nhất là đến thời Phật hoàng Trần Nhân Tông, đạo Phật ở Việt Nam đã có bước phát triển mới. Chùa Thắng Phúc bên đò An Tháp lại tiếp tục phát triển, hoàn thiện và trở thành ngôi chùa đẹp và lớn nhất của vùng Duyên hải Bắc bộ. Trong một bia ký chùa Thắng Phúc dựng ngày tốt tháng 10 năm Phúc Thái thứ 5 (1647) ghi: Tín sãi Đoàn Công Khanh tự Phúc Thuần và vợ Tín vãi Nguyễn Thị Doanh hiệu Từ Mỹ hiến 8 sào 5 thước xin cúng làm ruộng Tam Bảo, trước cúng cho bản thân được sống lâu, sau khi mất được thờ làm hậu Phật. (Trích trong văn bia: “Thắng Phúc tự bia ký – Bia chùa Thắng Phúc”. Sách văn bia Tiên Lãng của Nhà xuất bản Khoa học – xã hội).

Bến An Tháp

Bến đò An Tháp thuộc huyện Tân Minh. Theo Đại Việt sử ký toàn thư chép: “Tháng tư năm Đinh Hợi 1527 Vua Lê Cung Hoàng sai bọn Tùng Dương Hầu Vũ Hữu, Lan Xuyên Bá Phan Đình Tá, Trung sứ Đỗ Hữu Đễ cầm cờ tiết mao, mang sách vàng, áo mũ thêu rồng đen, kiệu tía, quạt vẽ, tàn tía đến làng Cổ Trai, huyện Nghi Dương tấn phong cho Mạc Đăng Dung làm An Hưng Vương giao thêm cho 9 thứ (Cửu tích). Mạc Đăng Dung đón tiếp tại bến đò An Tháp thuộc huyện Tân Minh”. Bến đò An Tháp là tên chữ của bến Sứa ở Mỹ Lộc thuộc huyện Tiên Lãng ngày nay.

Bến An Tháp (Bến Sứa) trong thời kỳ kháng chiến chống Thực dân Pháp (1949 – 1953) địch nhiều lần càn quét, bắt cán bộ, du kích của ta đưa ra xử bắn bên cây gạo rồi hất xác xuống sông Văn Úc. Bến sông nay đã diễn ra nhiều sự kiện liên quan tới lịch sử và sự thăng trầm của quê hương đất nước. Ngày nay bến sông này là nơi tập kết, vận chuyển nguyên vật liệu xây dựng.

Tin tham khảo về chùa Thắng Phúc

Đạo phật du nhập vào nước ta từ rất sớm, đến thời Lý đạo phật đã trở thành quốc giáo. Chùa chiền mọc lên như nấm, các nhà sư rất được ân sủng của triều đình. Theo sử chép: Vương triều Lý đã chi một ngàn vạn quan để xây 1.000 ngôi chùa, phần lớn ở Bắc Ninh – Quê hương nhà Lý. Thắng Phúc là ngôi chùa lớn ở Mỹ Huệ, thuộc lộ Hồng Châu được nhà Lý xây dựng để trấn an vũng Duyên hải của Đại Việt. Sự ra đời của ngôi chùa này gắn với truyền thuyết ở họ Phạm khu 5 làng Mĩ Lộc có bà được vào cung đã có công nuôi Vua, chính bà là người đã gửi tiền vàng về quê hương để xây chùa Thắng Phúc.

Chuyện kể rằng ngày xưa có một bà họ Phạm thường cắt cỏ ở Bến Sứa, một hôm thấy có thuyền lạ trên sông, bà cất giọng hát câu thơ của Ỷ Lan Nguyên phi:
“Tay cầm bán nguyệt xênh xang
Trăm ngàn thảo mộc phải hàng tay ta”
Nghe có tiếng hát hay, Vua cho thuyền ghé bến, thấy một người con gái xinh đẹp lại có giọng hát mê hồn Vua đem lòng yêu mến và cho bà về cung. Từ ngày bà được vào triều, mỗi khi có người ở quê lên kinh đô đều đem theo hũ mắm cáy là đặc sản được nhà Vua khen ngon để làm quà dâng lên biếu bà. Bà lại cho tiền vàng vào hũ gửi về quê để xây chùa Thắng Phúc.

Truyền thuyết này không được sự đồng thuận của làng. Tại cuộc họp liên chi hội Người cao tuổi làng Mĩ Lộc và phật tử chùa Thắng Phúc tổ chức ngày 18 tháng 4 năm Canh Dần (1/6/2010) và cuộc họp ngày 10 tháng 6 năm 2010. Trong 2 cuộc họp, hàng trăm cụ bô lão yêu cầu nếu họ Phạm nhận có bà nào đã xây chùa xin hãy chứng minh cho làng biết bà là ai? Nếu là vợ Vua là vị Vua nào? Có sắc phong gì? Bằng chứng nào để khẳng định? Nếu chứng minh được làng phải lập miếu thờ để truy ơn bà là người đã có công với làng, với nước, làm rạng rỡ cho quê hương. Đây là việc phải làm, thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc ta.

Do không có cơ sở để làm rõ thân thế, sự nghiệp của bà, hội nghị khẳng định đây là việc không đơn giản, cần phải phân tích, đánh giá đúng vấn đề, phải tôn trọng sự thật. Để làm rõ vấn đề, các cụ đã khẳng định: Việc bà đã nuôi Vua là không có cơ sở, vì các ông hoàng bà chúa đã có bảo mẫu trong cung chăm sóc, việc học cũng phải tìm thầy giỏi trong nước để dạy. So với các làng quê có đồng bãi ven biển làm được mắm cáy thì mắm cáy ở Mĩ Lộc đâu phải là đặc sản đối với vua chúa. Nếu bà được Vua sủng ái cho tiền vàng để xây cho quê hương ngôi chùa, lý do này là điều có thể. Nhưng cách chuyển tiền vàng được dấu vào hũ sành giao cho người làng đem về đây không còn là chuyện “Danh chính, ngôn thuận”. Xây dựng một ngôi chùa lớn như chùa Thắng Phúc phải tiêu tốn biết bao công sức, tiền của, thử hỏi phải có bao nhiêu chuyến đi nhận “Quốc khố” của triều đình trong hũ sành mới đủ? Nếu như việc bà ngầm giúp cho quê nhà xây chùa thì một công trình phật giáo lớn như Thắng Phúc được dựng lên tránh sao được tai mắt của triều đình? Tìm trong lịch sử vương triều Lý và các vương triều Việt Nam chưa thấy trang viết nào có bà họ Phạm ở Mỹ Huệ là hoàng hậu, nguyên phi hay thứ phi đã xây dựng chùa này. Các văn bia ở Mĩ Lộc ghi danh những người có công với làng, với nước, những người đã cúng tiến bao nhiêu quan tiền, điền ruộng vào đình Mĩ Lộc xin được thờ là hậu thần, cúng vào Tam bảo chùa Thắng Phúc để xin được thờ là hậu phật, ngay cả văn bia chùa Thắng Phúc cũng không ghi tên bà họ Phạm xây chùa. Trong cuốn văn bia Tiên Lãng do các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu viện Hán – Nôm, Hội Văn nghệ dân gian Hà Nội, đây là tập thể các giáo sư, tiến sĩ đã dày công nghiên cứu, sưu tầm các bia kí ở Tiên Lãng, tra cứu các tài liệu được lưu trữ tại Viện Viễn Đông Bác Cổ Pháp tại Hà Nội (EFEO) và thư viện Viện Hán Nôm đã biên dịch 300 văn bia ở Tiên Lãng trong đó có bia ở đình Mĩ Lộc và chùa Thắng Phúc.

Nội dung các văn bia là bằng chứng lịch sử về những người có công với Quốc gia, xã hội, những người đã đóng góp công sức, tiền của để xây cống, bắc cầu, đắp đê, làm chợ, xây dựng đình, chùa, đền, miếu ở Tiên Lãng từ 1.500 năm trở lại đây vẫn không tìm thấy bà họ Phạm đã xây chùa Thắng Phúc là ai? Trên cơ sở đánh giá, phân tích các thông tin trong truyền thuyết được truyền tụng ở họ Phạm, dựa vào các chứng cứ lịch sử nêu trên, Hội nghị các bô lão khẳng định: Câu chuyện về bà họ Phạm đã xây chùa Thắng Phúc chỉ là tin đồn, là truyền thuyết của họ Phạm.

Chuyện tương tự ở Hợp Đức – Kiến Thuỵ có một bà cũng cắt cỏ ở ven sông, bà cũng cất giọng hò: “Thuyền ai đang ở trên sông, có phải thuyền rồng xin ghé vào đây …” rồi tình cờ được gặp Vua cho bà về cung. Cuối đời bà xin triều đình cho quê nhà một bè gỗ lim đã dựng lên ngôi đình vàng trên quê hương Hợp Đức.

Chuyện đế bà Đào Thị Hương ở Đồ Sơn, năm 18 tuổi cắt cỏ trên đồi Độc cũng hát câu thơ của Ỷ Lan”
“Tay cầm bán nguyệt xênh xang
Trăm ngàn thảo mộc phải hàng tay ta”
Tình cờ chúa Trịnh Doanh đi kinh lý nghe giọng hát đã cho lính tìm được bà và đưa về phủ chúa. Bà không xây dược công trình nào, lại bị oan vì mang thai phải đưa ra trầm hà nơi cửa sông. Chuyện của 2 bà là có thật vì sự việc diễn ra có địa điểm, thời gian cụ thể, danh tính các nhân vật rõ ràng, chứng tích còn lưu và được ghi chép đầy đủ. Từ minh chứng về 2 bà, các bô lão đặt câu hỏi tại sao một người đã từng là vợ Vua, lại có công xây dựng lên ngôi chùa lớn hàng trăm gian, to đẹp nổi tiếng vùng duyên hải mà không có một chứng tích gì để lưu danh quả là điều vô lý. Trong dân gian mọi truyền thuyết phải có một phần sự thật, được người đời truyền tụng và thêu dệt lên. Vậy truyền thuyết của bà họ Phạm cũng phải có một phần sự thật. Xin hỏi sự thật ấy ở đâu? Còn lại dấu tích gì? Với quan điểm trọng chứng hơn trọng cung, vì thế cần xem xét chứng tích ấy là gì? Ở đâu để có cơ sở tìm hiểu, đánh giá và kết luận rõ ràng. Theo họ Phạm và dư luận cho rằng có 2 cơ sở để khằng định là chứng tích của bà là ngôi mộ cổ và pho tượng bà chúa họ Phạm.

Về ngôi mộ cổ, họ Phạm cho rằng: Ngôi mộ ở đất chùa cũ và tượng bà chúa được thờ ở chùa chính là bà họ Phạm. Nếu đúng như vậy thì đây là bằng chứng để khằng định vị thế của bà trong truyền thuyết được truyền tụng ở họ Phạm. Các cụ cho rằng chùa nào cũng thờ chúa ông, chúa bà ta quen gọi là đức ông, bà chúa. Bà chúa được thờ là bà chúa của chùa, được thờ theo tục thờ mẫu của đạo Phật chứ không phải bà họ Phạm làm bà chúa của chùa.

Về nguồn gốc pho tượng bà chúa họ Phạm, ông Để trưởng họ nói: “Ngày xưa, cụ sư Kiệm có lên Văn miếu Quốc Tử Giám – Hà Nội được tặng pho tượng bà chúa họ Phạm đã xây chùa Mĩ Lộc. Sư cụ không còn, nay họ Phạm xin lại pho tượng về thờ nhưng sư Minh không đồng ý …” Ông Bệt họ Phạm lại kể: “Cách đây gần 20 năm, bà Loan vợ ông Chinh ở xóm 7 có tìm thấy pho tượng bà chúa ở ao chùa cũ, bà cho vào nón cắp về chùa cho sư cụ Kiệm …”

Sự thật về pho tượng tóm tắt như sau: Đất chùa cũ HTX giao cho các cụ phụ lão làm vườn ươm và trồng cây do cụ Lưu Quang Âm phụ trách. Năm 1988 vườn đất này giao cho bác Ngô Văn Khoa là em bác Ngô Văn Tính trông coi. Tháng 10 năm 1988 anh em bác Tính bắt cá ở ao chùa cũ thấy dưới bùn ao một vật rắn hình trụ tháp, khi rửa sạch nhận ra một pho tượng bằng kim loại cao gần 40cm, phía trong rỗng, trọng lượng cân được 6,2kg. Tượng có nhiều chỗ sần sùi, rỗ rỉ do bị ngâm dưới bùn nước nhiều năm, phần dưới lưng tượng có nhiều lỗ thủng lớn. Pho tượng này bác Tính để lại thờ tại nhà trồng cây của các cụ. Nơi thờ ở hồi nhà là tường đất đắp lửng, phía trên trát vách, khi cụ Âm đi kiểm tra vườn cây vào nhà nhìn thấy nói: “Tượng này của chùa cũ ở đây, các cháu thờ không tiện, để ông đem về cho sư cụ thờ ở chùa cho đàng hoàng …” Pho tượng này được bà cụ Phinh và bà Đào cho vào thúng rối úp nón đội về chùa cho sư cụ. Việc này ở làng có nhiều người biết.

Vì không am hiểu về tượng tôi hỏi nhà sư trị trì: Tượng bà họ Phạm hiện nay ở đâu? Đại đức Thích Quảng Minh nói: “Làm gì có tượng bà họ Phạm nào? Pho tượng ấy là tượng Quan âm tôi vẫn thờ kia! Nếu cho họ Phạm có thờ được không hay phải trả về chùa sớm? …” Tôi tới xem pho tượng là một bà đầu đội khăn, choàng áo dài ngồi trên một tảng đá lớn, chân trái để dưới thấp, chân phải đặt cao hơn. Tay trái đặt trên đầu gối chân trái, tay phải để xuôi dưới đầu gối chân phải, lòng bàn tay ngửa. Vì còn hoài nghi tôi hỏi một số người làng tới tham quan chùa xem có phải tượng bà người họ Phạm không? Họ đều nhận xét ngắm tượng này thấy tai đúng là đặc trưng của tai Phật chứ không phải tai của người thường hay vua chúa, nhìn quen quen, hình như có nhiều chùa cũng thờ, chỉ có khác là cỡ lớn hay nhỏ. Một hôm có đoàn khách tới chùa tham quan, tình cờ có một người nói chuyện đã làm công tác trong ngành bảo tồn, bảo tàng nghỉ hưu. Do chưa thoả mãn tôi hỏi ông về pho tượng. Chỉ nhìn qua ông đã nói ngay: “Đây là tượng Quan âm Thị Kính không bế con, cuộc đời bà bị oan phải giả trai để đi tu vẫn bị oan, nhưng bà đã đắc đạo thành Phật. Theo truyền thuyết, khi bị đuổi ra khỏi chùa và viên tịch ở tư thế ngồi trên một tảng đá ngoài Tam quan, trên tay vẫn bế đứa trẻ. Vì vậy các nghệ nhân đã sáng tạo nên hình mẫu của bà theo ý tưởng này”. Tôi nói ở làng này cũng có bà chúa được thờ ở chùa, có phải tượng này không? Ông nói: “Tôi chỉ biết có chúa Liễu Hạnh, hầu chúa Liễu Hạnh có công chúa Quỳnh Hoa và Ngọc Hoa, bà chúa của làng ông thế nào tôi không biết, nhưng tượng chúa Liễu Hạnh không phải tượng này”. Nghe ông giải thích nhiều không thể nêu hết, thiết nghĩ phần tóm tắt về pho tượng cũng là đủ.

Một chứng tích cuối cùng gây không ít tranh cãi là ngôi mộ cổ ở đất chùa cũ. Các bô lão đã phủ nhận về bà và khẳng định truyền thuyết về bà họ Phạm là không có thật. Vì thế nếu có mộ chỉ là mộ giả. Họ Phạm nhận đó là mộ thật nên đầu tháng 5 năm 2010 đã cho xây dựng rộng hơn, kiên cố hơn. Khi chùa làm quy hoạch Hồ Liên Trì rộng 2000m2, chiều sâu từ đáy hồ tới mặt bờ hồ là 4,7m, vị trí mộ bà họ Phạm cách tâm hồ 8m về phía Nam. Nếu đúng mộ là có thật thì sẽ có hài cốt đặt trong quan ngoài quách, nếu là người thường có thể cốt ở trong tiểu sành hoặc nồi đất, nếu là người của Hoàng tộc đã được thiêu thì cốt là tro sẽ đựng trong lọ sứ hoặc bình đồng để ở độ sâu từ 1,2 đến 1,5m.

Sự thật về ngôi mộ này được nhiều người chứng kiến khi máy xúc lấy đất ở ngôi mộ của bà họ Phạm, tới độ sâu 1,4m chạm vào một gốc bạch đàn dài 40cm đổ nghiêng về phía Nam. Khi máy xúc lấy đến độ sâu 3,7m vẫn không chạm vào dấu tích gì có liên quan đến hài cốt, mồ mả. Một điều lạ khi máy xúc lấy đất đến mộ phần của bà họ Phạm nhưng không có ai là người họ Phạm đến xem mộ phần của bà có cốt hay không để khẳng định đây là thật hay giả?

Như vậy những chứng tích về bà đã được rõ ràng, thuyền thuyết về bà họ Phạm đã xây chùa Thắng Phúc vẫn còn là huyền bí, và cũng có thể là chằng có gì huyền bí.

Bình luận bài viết

Please enter your comment!
Please enter your name here