Chùa Thắng Phúc hồi sinh

0
2627

Là người con của quê hương xuất gia tu hành từ nhỏ, Đại đức Thích Quảng Minh trụ trì chùa Thắng Phúc cứ hoài niệm về ngôi gia lam cổ tự của tổ tiên ta trên đất này xưa nay không còn nữa. Nỗi day dứt ấy luôn đau đáu trong lòng Đại đức chỉ mong sao được khôi phục lại ngôi tổ đình của cha ông ta xưa.

chua-thang-phuc-hoi-sinh

1- Lễ động thổ xây dựng chùa:

Dịp may như một cơ duyên khi tờ trình của đại đức được các cơ quan chức năng phê duyệt, nhất trí ủng hộ và đề nghị cấp có thẩm quyền giải quyết. Ngày 27 tháng 6 năm 2007, văn phòng UBND Thành phố Hải Phòng ra công văn số 3567/UBND – VX đồng ý cho phép chùa Thắng Phúc được xây dựng trên nền đất cũ ở đầu làng Mĩ Lộc, diện tích là 1.300m2. Việc xây dựng lại ngôi chùa lịch sử lớn hàng trăm gian là vô cùng khó khăn. Nhưng khó nhất là kinh phí vì không có nguồn trên cấp cho nên chùa Vọng Phúc phải xây dựng hoàn toàn bằng nguồn xã hội hoá. Thật may mắn khi đại đức gặp được chị em bà Trần Thị Thành và Trần Thị Sinh là những phật tử lập nghiệp ở Hà Nội nhận lời giúp Đại đức thực hiện ước mơ, phục dựng ngôi chùa lịch sử có từ thời Lý trên quê hương Mĩ Huệ. Bà Thành cùng Đại đức trực tiếp lội xuống bãi lầy ven sông để khảo sát dự toán đầu tư. Đại đức Thích Quảng Minh suy tính nguồn tài trợ lớn của chị em bà Thành sẽ đầu tư các công trình trọng điểm, các công trình phụ trợ là rất lớn sẽ nhờ vào lòng hảo tâm công đức của dân. Kế hoạch xây dựng theo phương châm “Làm đúng, đủ, bền, đẹp”. Phương châm này đặt ra là phải làm đúng pháp luật, bảo đảm kiểu dáng kiến trúc truyền thống. Xây dựng đủ các hạng mục công trình, bảo đảm đẹp và bền vững. Vì vậy nếu có nhiều sẽ làm nhanh, có ít làm dần từng bước, thời gian từ 10 đến 15 năm, phấn đấu trong 10 năm phải hoàn thành.

Đầu tháng 7 năm 2007, Đại đức Thích Quảng Minh hoan hỉ báo cáo với Ban vận động xây dựng làng văn hoá Mĩ Lộc, các vị bô lão và phật tử chùa Thắng Phúc về kế hoạch tổ chức xây chùa, đề nghị dân làng hết sức ủng hộ. Khó khăn lớn nhất hiện nay là thiếu kinh phí, Đại đức sẽ lo. Được tin ấy dân làng Mĩ Lộc ai lấy đều phấn khởi bởi ước mơ bấy lâu nay thành hiện thực. Nhiều người đã tự nguyện hiến đất xây chùa, những gia đình canh tác trên diện tích đất chùa cũ đều vui vẻ giao đất kịp thời không chút so đo tính toán. Lòng người đã thuận vì chùa được xây trên nền đất cũ. Thật đúng là “Địa lợi nhân hoà”.

Mùa xuân năm Mậu Tý 2008, mừng đại lễ Phật đản của Liên hiệp quốc được tổ chức tại Việt Nam, chùa Thắng Phúc tổ chức đại lễ động thổ xây dựng và lễ đúc đại hồng chung. Như một ân đức của trời phật ban cho Thắng Phúc được thiên thời, sau 38 ngày rét đậm rét hại lại được 3 ngày đẹp trời để tổ chức đại lễ. Dưới nắng xuân ấm áp, đường làng rợp bóng cờ hoa, khách thập phương về dự lễ đông nườm nượp như trảy hội, dân làng theo đoàn lễ rước chen chân rợp đường kéo về khuôn viên chùa Thắng Phúc đông nghịt người xem.

Đại lễ được tổ chức rất trọng thể, trang nghiêm và hoành tráng. Tham gia ban chứng minh có lãnh đạo giáo hội và đông đủ cán bộ đại diện các cấp từ Thành phố đến cơ sở. Đúng 9h35′ ngày 19 tháng giêng năm Mậu Tý, 25 vị trong ban chứng minh đại lễ đã xúc đổ những xẻng cát động thổ xây dựng chùa Thắng Phúc trong tiếng trống nhạc tưng bừng, tiếng hò reo của hàng ngàn người dự lễ hoà trong muôn sắc pháo tung bay. Đây là giây phút thiêng liêng đánh dấu sự ra đời của một công trình Phật sự to đẹp và sẽ là một trung tâm Phật giáo lớn trong vùng.

Sáng 20 tháng giêng, đại lễ đúc đại hồng chung được tổ chức tại bến An Tháp. Sau lễ rước lửa, 5 lò luyện được khai hoả bốc cao ngọn lửa cuộn cháy như múa với gió xuân. Nghe tiếng lửa cháy trong tiếng gió như reo lên hoà quyện cùng lời nguyện của Đại đức xin Thánh tổ Không Lộ phù hộ chùa Thắng Phúc đúc được chuông kêu. Đúng 11h40′, hơn một tấn đồng đã được nấu chảy rực hồng trong lò luyện. Trước Phật đài thành kính trang nghiêm, hàng ngàn người được chứng kiến các phật tử chen nhau xin được cúng vàng vào chuông. Một câu chuyện cảm động về cụ bà Nguyễn Thị Bồi ở làng Sơn Đông. Cụ đã ngoài 80 tuổi sống với người cháu ở một làng quê huyện Vĩnh Bảo, biết tin quê hương xây chùa và đúc đại hồng chung cụ đã về dự lễ với chiếc nhẫn mặt ngọc của người cháu biếu cụ năm xưa, cháu nói: “Biếu cụ nhẫn này để sau này cụ có về với tiên tổ nhẫn này giúp cụ lo một phần cho hậu sự, còn sống ngày nào nhìn thấy nhẫn là cụ nhìn thấy cháu”. Trước cảnh trang trọng, thành kính và thiêng liêng của lễ đúc đại hồng chung, cụ đã tháo nhẫn quý, vái lạy và đặt lên bàn thờ lễ để được đưa vào chuông. Cụ nói với mọi người: “Tôi mừng lắm, phấn khởi lắm, dù có là vài ba chỉ hay dăm bảy li lai nhưng tình cảm của bà cháu tôi đã được gửi vào tiếng chuông để ngân đến muôn đời”. Khi các nghệ nhân rót dồng vào khuôn đúc, Đại đức Thích Quảng Minh nâng niu trân trọng chuyền từng chỉ, từng chỉ vàng theo dòng đồng chảy vào khuôn đúc đại hồng chung. Đây là quả chuông của gia đình ông bà Nguyễn Đạo Thịnh cúng về chùa Thắng Phúc. Hơn hai chục cây vàng được hoà vào quả chuông 1.300kg đã ngân vang trong ngày lễ khai thanh 14 tháng 2 năm Mậu Tý. Tiếng chuông vàng dóng dả ngân lên, vang xa như báo hiệu sự hồi sinh của chùa Thắng Phúc được hội tụ bởi Thiên thời – Địa lợi – Nhân hoà.

2- Tóm tắt quá trình xây dựng ngôi Đại hùng bảo điện:

Sau lễ động thổ, hơn hai chục nghìn mét khối cát được vận chuyển để dâng lập tạo mặt bằng xây dựng. Hơn 25 vạn gạch, 200m3 gỗ, hơn 300m3 cát đá và hàng trăm tấn xi măng, sắt thép, vật liệu xây dựng được vận chuyển tập kết về khuôn viên chùa cũ để phục vụ xây dựng công trình.

Ngày 10 tháng 9 năm Mậu Tý, Hoà thượng – Pháp sư Thích Thiện Trí cùng các chư tăng và thầy cung văn làm lễ phong yểm, đặt gạch theo nghi thức tôn giáo.

Trung tuần tháng 10, các phật tử trong vùng, các vị bô lão làng và các chi hội phụ nữ trong xã đã tích cực tham gia vận chuyển vật liệu, san cát, lát ghép 500m2 đáy móng ngôi đại hùng bảo điện ở độ sâu 1,5m. Ngày 18 tháng 11, đổ 170m3 bê tông các trụ và đế móng ngôi chùa chính.

Đầu giờ Mão ngày 01 tháng 02 năm Kỷ Sửu, Đại đức Thích Quảng Minh và các chư tăng phật tử làm lễ thụ trụ (Dựng cột). Đúng 6h5′, cây cột chùa đầu tiên cao gần 7m, đường kính 45cm đã được dựng thành công trong niềm vui hân hoan của các chư tăng phật tử và đội xây dựng chùa Thắng Phúc.

Ngày 7 tháng 3 năm Kỷ Sửu, đúng 18h, cây cột thứ 50 là cây cột cuối cùng của ngôi Đại hùng bảo điện đã được dựng thành công và sàm lắp an toàn với tinh thần lao động sáng tạo của đội thợ xây dựng. Làm được công trình to lớn này, các nhà chuyên môn đánh giá cao trình độ xây dựng của thợ làng Mĩ Lộc. Qua 1 năm xây dựng với hơn 5 ngàn công thợ nề và mộc, cùng gần 3 ngàn lượt người tham gia lao động công quả, với chi phí 120 tấn xi măng, gần 20 tấn thép, trên 25 vạn gạch, 200m3 gỗ đã dựng nên 15 gian ngôi đại hùng bảo điện rộng gần 500m2, cao hàng chục mét, uy nghi toạ lạc bên dòng sông Văn Úc hiền hoà xinh đẹp.

3- Lễ an vị long cốt chùa Thắng Phúc:

Ngày 11 tháng 3 năm Kỷ Sửu, Đại lễ an vị long cốt chùa Thắng Phúc được tổ chức trọng thể. Dự lễ có các vị chư tôn thiền đức hàng giáo phẩm giáo hội Việt Nam, có đại diện Ban tôn giáo Chính phủ và cán bộ các cấp từ Thành phố đến cơ sở.

Đúng 10h35′ ngày 11 tháng 3 năm Kỉ Sửu giờ Đại Cát, Thượng toạ Thích Quảng Tùng và Hoà thượng pháp sư Thích Thiện Trí làm phép lấy khước trên long cốt gian chính điện. Dưới khuôn viên chùa muôn ánh mắt đều hướng lên chăm chú theo dõi và chứng kiến giây phút thiêng liêng, 30 vị trong ban chứng minh trân trọng đặt tay lên long cốt chùa đưa vào vị trí nóc 15 gian ngôi đại hùng bảo điện. Hàng ngàn người dự lễ đều phấn khởi reo mừng cùng bản hùng ca vang lên từ 40 kèn đồng của đội kim nhạc mừng đại lễ.

Một sự thật kì lạ đến khó tin, sau khi đặt nóc chùa Thắng Phúc giữa ngày xuân nắng ấm của tiết Thanh Minh, trời bỗng nổi cơn mưa to gió lớn. Các chư tăng, phật tử rất phấn khởi vì đặt xong nóc chùa lại gặp trời mưa. Ai cũng mừng và thầm nghĩ lễ an vị long cốt chùa Thắng Phúc là “Chi thiên địa” làm động cả đất trời, được thiên địa khai thông. Chiều tối trời lại thanh quang, mọi người nô nức rủ nhau đi xem văn nghệ biểu diễn chào mừng đại lễ. Du khách và phật tử thập phương được chứng kiến đều nhận xét: “Từ khi chùa được xây trên nền đất cũ mọi việc diễn ra đều may mắn tốt đẹp, mỗi lần chùa tổ chức đại lễ đều là những ngày đẹp trời, đúng như cầu được, ước thấy”.

4- Lễ động thổ xây dựng trạm biến áp điện:

Như một cơ duyên đến với đại lễ, chùa Thắng Phúc được ông Lê Ngọc Thiệp – Bí thư Đảng uỷ – Giám đốc công ty điện lực Hải Phòng ủng hộ một trạm biến áp điện 180 KVA trị giá trên 500 triệu đồng. Công trình được xây dựng trong khuôn viên chùa. Đúng 11h20′ ngày 12 tháng 3 năm Kỉ Sửu, Ban tổ chức đại lễ làm lễ động thổ xây dựng trạm biến áp điện có: Đại đức Thích Quảng Minh, ông Lê Ngọc Thiệp, ông Vũ Minh Đức – Bí thư huyện uỷ Tiên Lãng, ông Lê Văn Hiền – Chủ tịch UBND huyện, ông Nguyễn Đạo Thịnh – Giám đốc công ty xăng dầu VIPCO, ông Nguyễn Quang Duyến – Bí thư Đảng uỷ xã Tiên Thắng, ông Ngô Ngọc Thuân – Chủ tịch UBND xã Tiên Thắng …

Trong 3 ngày đại lễ của chùa Thắng Phúc, từ ngày 10 đễn ngày 12 tháng 3 năm Kỷ Sửu (2009). Ban chứng minh đại lễ, Ban tổ chức và Đại đức Thích Quảng Minh đã chủ trì giải quyết 6 việc lớn là: Lễ cung rước kim thân phật tượng, lễ an vị long cốt chùa, lễ đúc đại hồng chung, lễ động thổ xây dựng trạm biến áp điện, lễ cầu siêu cho các chiến sĩ hải quân, thuyền trưởng, thuỷ thủ, chuyên viên tàu pha sông biển và những người tử nạn trên sông được nương nhờ cửa phật. Kết thúc đại lễ là chai đàn Mông sơn thí thực cầu cho các tướng sĩ trận vong, đồng bào chiến tranh tử nạn, chân linh các dòng họ trong làng, trong xã, trong huyện và cô hồn các đẳng. Mọi việc đều chu toàn viên mãn

5- Lễ đặt đá xây dựng điện phủ:

Ngày 11 tháng 7 năm Canh Dần (2010), nhân tháng lễ Vu lan báo hiếu của đạo phật, chùa Thắng Phúc tổ chức Lễ an vị phật tượng Quan âm bồ tát.

Đây là một công trình nghệ thuật bằng đá, tạc tượng Quan Âm Bồ Tát cưỡi Long vương, chân phật tượng Bồ tát đứng trên đầu rồng mình cá, dáng phật tượng nghiêng nghiêng như đang bay trên sóng từ ngọn nước đền Gắm xuôi về biển Đông, một tay nâng viên ngọc, một tay chỉ xuống ở thế tịnh thuỷ để cứu nhân độ thế.

Sau lễ an vị Phật tượng Bồ tát Quan âm, Đại đức Thích Quảng Minh tổ chức lễ đặt đá đánh dấu mốc khởi công xây dựng tiếp 3 toà nhà hình chứ Tam, trong đó có một nhà 3 gian thờ Ngọc hoàng điện phủ (Thờ Ngọc hoàng thượng đế, Nam Tào Bắc Đẩu).

Một nhà 3 gian thờ Tam toà thánh mẫu, quan lớn Bơ phủ và quan lớn Tuần Tranh. Một nhà 5 gian thờ Hội đồng tứ phủ. Công trình này do đại thí chủ Trần Thị Thành và Trần Thị Sinh cung tiến.

Từ ngày động thổ xây dựng chùa Thắng Phúc đến nay, trong sổ vàng công đức xây dựng chùa đã có danh sách hàng vạn lượt người, gia đình, đoàn thể, cơ quan, đơn vị và các doanh nghiệp đóng góp ủng hộ. Càng về sau số lượng càng nhiều, giá trị ngày càng lớn. Chính vì vậy, chỉ sau 23 tháng thi công đã hoàn thành 85 gian trong cụm kiến trúc thờ phật. Xây cầu Cực Lạc và hồ Liên trì rộng 2000m2 cùng 2 toà phật tượng ngoài trời là Bồ tát Quan âm và Đại phật tượng A di đà.

6- Chùa Thắng Phúc xây dựng như một đại công trình:

Ngày 27 tháng 6 năm 2007, cơ quan chức năng có thẩm quyền của Thành phố Hải Phòng ra công văn cho phép chùa Thắng Phúc được xây dựng trên nền đất cũ. Đây là tin vui làm nức lòng các phật tử và người dân Tiên Thắng – Tiên Lãng. Nhưng để xây nên một ngôi chùa lớn hàng trăm gian không được cấp kinh phí là điều khó khăn lớn nhất. Nhà sư trụ trì – Đại đức Thích Quảng Minh dự kiến thấp nhất phải có 25 tỷ đồng, nếu huy động được nguồn lực tài trợ và công sức đóng góp của nhân dân địa phương có thể phải làm từ 10 – 15 năm mới hoàn thành.

Sau khi được cấp phép xây dựng, Đại đức Thích Quảng Minh đã gửi thư khuyến thỉnh đến các nhà hảo tâm, các doanh nghiệp và các cơ quan, đơn vị đã nhận lời giúp đỡ. Các cấp, các ngành sẵn sàng tạo điều kiện cùng các mạnh thường quân chung tay góp sức giúp Đại đức xây dựng chùa Thắng Phúc. Từ ngày khởi công, sau 8 tháng đã cơ bản hoàn thành ngôi đại hùng Bảo điện lớn 15 gian với 50 cây cột, đây là công trình trọng điểm của chùa Thắng Phúc. Xây dựng thành công công trình này đã mở đầu thuận lợi cho việc xây dựng các hạng mục công trình tiếp theo.

Nhân kỉ niệm 12 năm ngày giỗ của cố Đại lão Hoà thượng Thích Nguyên Thi, ngày 24 tháng 5 năm Kỉ Sửu, chùa Thắng Phúc tổ chức đại lễ động thổ xây dựng tiếp 70 gian gồm: 20 gian Tổ đường, Kim cương đường và 50 gian La Hán đường. Cuối năm Kỉ Sửu 2009, Đại đức Thích Quảng Minh chỉ đạo xây dựng tiếp trụ móng bệ phật tượng Quan âm đặt ở phía Bắc khuôn viên chùa và trụ móng bệ tượng phật A di đà làm giữa hồ nước trước ngôi Tam bảo.

Đây là những hạng mục công trình lớn phải hoàn thành vào tháng 9 năm 2010 để gắn biển chào mừng 4 sự kiện trọng đại của quê hương, đất nước, của dân tộc và đạo pháp sẽ diễn ra trong 2010 là: Kỉ niệm 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội, chào mừng đại lễ Phật đản Thế giới tổ chức tại Việt Nam, chào mừng 55 năm giải phóng Hải Phòng và mừng quê hương Tiên Lãng khai thông cầu Khuể bắc qua sông Văn úc.

Kể từ sau ngày lễ động thổ, hàng ngày các hiệp thợ mộc, thợ nề, thợ đá có trên 50 người thường xuyên làm việc tại công trình dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Đại đức Thích Quảng Minh và Ban xây dựng chùa Thắng Phúc. Chi hội phụ nữ 13 khu dân cư trong xã cùng các phật tử phối hợp sắp xếp hàng ngày có từ 15 – 20 người tham gia lao động công quả, san lấp mặt bằng, thu dọn vật liệu. Có những ngày cao điểm có tới trên 300 người tham gia lao động xây dựng chùa Thắng Phúc.

Năm 2010 có thể nói là thời kỳ cao điểm của quá trình xây dựng chùa Thắng Phúc. Nhiều hạng mục công trình lớn phải tiến hành đồng thời đòi hỏi sử dụng nhiều loại máy móc thiết bị để phục vụ thi công như: máy đóng cọc, máy gạt, máy cẩu … Khi lắp đặt Phật tượng A di đà trọng lượng trên trăm tấn làm tới độ cao 15 mét phải sử dụng xe cẩu trên 50 tấn, tầm với 43 mét. Chỉ tính riêng tiền cọc bê tông làm trụ móng bệ phật tượng A di đà đã chi phí tới 180 triệu đồng tiền cọc và 16 tấn sắt chưa tính xi măng cát đá. Quy hoạch lại ao chùa diện tích 2.000m2 phải đào xúc vận chuyển trên 6.000m3 đất, sử dụng gần 400m3 đá xanh để xây bờ kè, huy động 2.500 chuyến xe ô tô chuyên chở đất đá làm đường trong khuôn viên chùa và san lấp bồi trúc bờ quai ở ven sông. Ban xây dựng đánh giá tốc độ xây dựng của năm 2010 bằng 5 năm so với kế hoạch đề ra.

Được tin chùa xây dựng trên nền đất cũ, hàng ngày các đoàn khắch thập phương đi tham quan, đi du khảo đồng quê đã đến chùa chiêm bái. Được chứng kiến cảnh lao động nhộn nhịp trên công trường hoà cùng tiếng các loại động cơ, máy cưa, máy khoan cắt đá, máy đóng cọc, máy xúc, máy trộn bê tông cùng các loại xe tấp lập chuyên chở vật liệu cho công trình nhiều người đều có chung một nhận xét và khẳng định: Cảnh xây dựng chùa Thắng Phúc thực sự như một đại công trình.

Với tinh thần lao động tích cực của các hiệp thợ, sau 23 tháng thi công đã xây dựng nên 85 gian gồm Phật đường, Tổ đường, Kim cương đường và la Hán đường theo đúng kế hoạch. Các nghệ nhân làm nghề đắp vẽ và làm nghề đá ở các làng nghề từ Nam Định, Ninh Bình đến thành phố Huế đều được sư trụ trì và ban xây dựng xem xét, lựa chọn và mời về làm hợp đồng để hoàn thiện công trình.

Là 1 năm cao điểm trong xây dựng lại gặp nhiều cản trở cho thi công do mặt bằng chưa được giải phóng triệt để, nguyên do từ tháng 3 năm 2001, có người xin chủ sử dụng đất chùa cũ xây dựng một ngôi mộ để thời vọng. Mộ xây hình tròn, đường kính 1,4m, cao 0,5m. Khi chùa được cấp phép xây dựng, ngôi mộ thờ vọng này không chịu di dời mà còn xây dựng kiên cố hơn, rộng tới 36m2. Những việc làm trên gây tác động lớn tới tư tưởng của sư trụ trì, tạo áp lực tâm lí với nhà chùa và đội ngũ những người tham gia xây dựng. Bất bình với việc làm trên, các bô lão làng Mĩ Lộc, các phật tử và liên chi hội người cao tuổi làng Mĩ Lộc đã tổ chức 2 cuộc họp bất thường bày tỏ quyết tâm đấu tranh vì chân lí. Được sự ủng hộ của các dòng họ và bà con quê hương Mĩ Lộc, mặc dù còn những khó khăn chưa được giải quyết, Đại đức Thích Quảng Minh vẫn kiên trì vừa làm tốt công tác giáo hội, vừa tích cực chỉ đạo tiếp tục xây dựng chùa theo kế hoạch.

Từ khi bước vào xây dựng chùa Thắng Phúc, Ban xây dựng xác định sẽ gặp khó khăn cản trở nhiều mặt, nhưng khó khăn lớn nhất vẫn là kinh phí. Mặc dù rất tốn kém về đầu tư nhưng Đại đức vẫn quyết tâm chỉ đạo phải ốp lát đá 50 gian nền nhà La Hán và khu vực sân chùa, cầu bán nguyệt, xung quanh hồ liên trì và ngôi Đại hùng bảo điện phải làm lan can đá, các bậc lên xuống phải có rồng đá. Có làm được như vậy mới đảm bảo sự đồng bộ, mới tạo nên được giá trị cho công trình. Chúng ta không thể giao lại cho hậu thế sự chắp và để làm khó cho đời sau. Đại đức cho rằng thời xưa khó khăn thiếu thốn nhiều bề, trình độ khoa học kĩ thuật còn rất lạc hậu mà tổ tiên ta cũng dựng nên hàng trăm gian chùa to đẹp trên đất này. Nếu chùa còn đến ngày nay chắc chắn sẽ là di sản văn hoá quốc gia, có thể cả tổ chức văn hoá giáo dục của Liên hợp quốc UNESCO cũng sẽ công nhận là di sản văn hoá Thế giới.

Nối chí cha ông chúng ta phải làm bằng được những gì cha ông ta chưa có điều kiện làm, những gì cha ông ta chưa làm xong ta phải quyết tâm làm bằng xong. Như lời Phật dạy: “Tác nhất thời, lưu vạn đại”. Những công trình chúng ta xây dựng nên và lưu lại cho hậu thế thực sự là những công trình có giá trị và trường tồn cùng năm tháng.

7- Lễ khánh thành chùa Thắng Phúc giai đoạn I:

Đầu xuân Canh Dần 2010, nhân lễ hội truyền thống chùa Thắng Phúc, sư trụ trì chùa đã thông báo kế hoạch tổ chức khánh thành giai đoạn I chào mừng những sự kiện trọng đại của quê hương và đất nước diễn ra trong năm 2010. Thời gian tổ chức vào các ngày mồng 6, 7, 8, 9, 10 tháng 9 âm lịch để gắn biển công trình chào mừng đại lễ kỉ niệm 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội, chào mừng 55 năm ngày giải phóng Hải Phòng, mừng quê hương Tiên Lãng khai thông cầu Khuể bắc qua sông Văn Úc.DSC_4482

Thời gian gần ngày lễ khánh thành thời tiết lại mưa nắng thất thường do ảnh hưởng của hoàn lưu bão và 2 đợt áp thấp nhiệt đới nối tiếp nhau hình thành trên vùng biển Đông. Ban tổ chức rất lo lắng vì thời tiết này sẽ không thể tổ chức được. Nhưng thật may và rất mừng, trong 5 ngày chùa tổ chức lễ khánh thành lại là những ngày dịu mát của tiết cuối thu.

Ngày mồng 6, chùa tổ chức lễ niêm hương bạch phật, thỉnh phật đại khoa. Tối, nghi lễ hô thần nhập định tượng. Ngày 7, 8 là các nghi lễ tâm linh của đạo phật. Tối, các làng văn hoá tổ chức biểu diễn văn nghệ chào mừng đại lễ. Ngày mồng 9 là ngày đại lễ cắt băng khánh thành. Về dự đại lễ có Đại lão Hoà thượng Thích Thanh Sam – Phó pháp chủ Hội đồng trị sự Trung ương giáo hội phật giáo Việt Nam, Thượng toạ Thích Thanh Nhiễu – Thư kí Hội đồng trị sự Trung ương giáo hội phật giáo Việt Nam, Pháp sư Hoà thượng Thích Thiện Trí – Giáo sư các trường cao phật học phía Nam – Viện chủ chùa Long Bửu Thành phố Hồ Chí Minh, Thượng toạ Thích Chân Tính – Phó ban Hoằng pháp Trung ương giáo hội phật giáo Việt Nam – Viện chủ chùa Hoàng Pháp – Thành phố Hồ Chí Minh, Thượng toạ Thích Quảng Tùng – Phó chủ tịch Hội đồng trị sự Trung ương giáo hội phật giáo Việt Nam, Thượng toạ Thích Thanh Vân … cùng nhiều Đại đức, tăng ni ở các tỉnh, thành phía Bắc về dự. Đại lão Hoà thượng Thích Phổ Tuệ – Chánh pháp chủ Hội đồng trị sự Trung ương giáo hội phật giáo Việt Nam và Hoà thượng Thích Thanh Tứ đã nhận lời mời nhưng vì công việc đã gửi điện chúc mừng và chứng minh đại lễ khánh thành giai đoạn I chùa Thắng Phúc.

Đại lễ vui mừng chào đón ông Hà Văn Núi – Phó Chủ tịch UBTWMTTQ Việt Nam, ông Nguyễn Văn Quynh – Uỷ viên Trung ương Đảng – Phó BTC Trung ương, ông Nguyễn Văn Thành – Uỷ viên Trung ương Đảng – Bí thư Thành uỷ Hải Phòng, ông Nguyễn Văn Đọc – Chủ tịch UBND Tỉnh Quảng Ninh cùng nhiều cán bộ chủ chốt của Thành phố và huyện Tiên Lãng, các cơ quan, đơn vị và hàng vạn du khách, phật tử thập phương về dự lễ.

Chào mừng thành công của đại lễ, tối mồng 9, chùa Thắng Phúc tổ chức pháp hội hoa đăng dưới sự chỉ đạo của Thượng toạ Thích Chân Tính. Lễ hội hoa đăng cầu nguyện hoà bình Thế giới được tổ chức tại sân chùa Thắng Phúc. Sau nghi thức cầu nguyện của các chúng tăng, ngọn lửa tượng trưng cho trí tuệ và tình thương của đức Phật được thắp sáng và truyền đăng cho những cây nến vàng trên tay các thượng toạ, đại đức, tăng ni. Từ ngọn lửa được thắp sáng trên cây nến vàng trong tay Đại đức Thích Quảng Minh được truyền lửa sang 1.000 ngọn nến hồng trên tay các phật tử. Sau khi hoàn thành nghi lễ truyền đăng cầu nguyện hoà bình thế giới, trên sân chùa 1.000 cây nến đặt ngay ngắn thẳng hàng lung linh ánh lửa cháy giữa đêm thu đến 3 giờ sáng ngày 10 tháng 9 năm Canh Dần.

Được chứng kiến đại lễ hoa đăng, người dân quê hương khẳng định chưa bao giờ chùa Thắng Phúc có đông người đến như thế. Trong khuôn viên chùa đông nghịt người xem pháp hội hoa đăng.

Cùng thời điểm ấy, trên quãng đê dòng người và xe trên đường tới chùa dài hơn 1 cây số. Đường làng từ khu Kho tới miếu Thần Linh, đường sau đồng tới chân đê dài gần 500 mét đông kín người chỉ biết đứng nhìn vầng sáng từ sân chùa hắt lên ánh vàng trên không gian trước cửa chùa Thắng Phúc và lắng nghe qua hệ thống tăng âm tiếng nói của Thượng toạ Thích Chân Tính giới thiệu về ánh sáng của hoa đăng là ánh sáng của trí tuệ, của ước mơ, là tình thương của đức Phật, cùng cầu nguyện cho phật pháp trường tồn, chúng sinh an lạc, Thế giới hoà bình, chúng ta hãy cùng nhau phát nguyện, truyền trao mãi ngọn lửa của trí tuệ, của tình thương này sẽ được thắp sáng mãi cho nhân loại.

Nhìn sân chùa Thắng Phúc, một vẻ đẹp huyền ảo của hàng ngàn cây nến hồng ngay ngắn, thẳng hàng đang lung linh ánh lửa giữa đêm thu toả ánh vàng lấp lánh như ngọc pha lê tới 3 giờ sáng ngày 10 tháng 9 năm Canh Dần.

Bình luận bài viết

Please enter your comment!
Please enter your name here