Nơi ghi nhận tinh thần “Hộ quốc an dân”

0
1873

Với tinh thần “nhập thế gian chủ trì Phật pháp”, các thế hệ hoà thượng, thượng toạ, tăng ni chùa Phúc Thắng Tiên Lãng luôn đồng hành với quê hương trong các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm. Đặc biệt trong cuộc kháng chiến chống Pháp, theo lời kêu gọi của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, các vị tăng ni trụ trì quyết định tiêu huỷ chùa Thắng Phúc và cởi áo cà sa, cầm súng bảo vệ quê hương. Trong cuộc chiến đấu đầy khốc liệt ấy, cả 5 thầy trò nhà sư – chiến sĩ đều đã anh dũng hi sinh. Hơn 60 năm chịu cảnh hoang phế, nhờ hồng âm Tam Bảo gia hộ, sự giúp đỡ của các cấp chính quyền và Giáo hội, đặc biệt là nhờ công lao vô lượng của Đại đức Thích Quảng Minh (trụ trì chùa), chùa Thắng Phúc được hồi sinh ngay chính nền chùa Vọng Phúc xưa.

chua-thang-phuc-tien-lang

Chùa Thắng Phúc – Nơi ghi nhận tinh thần “Hộ quốc an dân”

Theo thư tịch cổ, chùa Vọng Phúc xưa được làm hoàn toàn bằng gỗ lim nguyên cây, to lớn dị thường (cột cái toà điện phật 2 người ôm không xuể), mái lợp ngói mũi hài cổ kính, thâm nghiêm thấp thoáng dưới bóng cổ thụ xanh um. Khởi thuỷ chùa gồm 87 gian, có bố cục mặt bằng theo lối “nội công ngoại quốc”. Trong vườn thiền, khu tháp sư mộ phật được quy hoạch gọn gàng, hình thái bề thế và 2 pho tượng hộ pháp “khuyến thiện”, “trừng áp” sừng sững nhìn ra sông. Sân chùa có hàng loạt tượng các loài thú như: voi, hổ, sư tử, cá sấu… đang quỳ chầu thể hiện sự quy phục trước phật pháp. Nội điện có nhiều tượng quý và các đồ thờ đẹp có giá trị nghệ thuật cao như: cửa võng, hoành phi câu đối, đại tự…

Ông Ngô Quang Xuyển – người trực tiếp biên soạn lịch sử chùa Thắng Phúc – cho biết: “Theo sử chép, từ khi nhà Lý lên ngôi, trải qua 8 đời vua trị vì đất nước (1010- 1226). Nhà Lý đã cho xây dựng 1.000 ngôi chùa, trong đó có chùa Vọng Phúc thuộc huyện Tiên Minh, với thời gian xây dựng từ 15-20 năm. Trải bao thăng trầm lịch sử, đất nước khi thịnh khi suy từ triều Lê đến triều Nguyễn, ngôi chùa vẫn được tu bổ thường xuyên. Dưới thời Pháp thuộc, do chùa nằm ở vị trí giao thông thuận lợi, lại là một ngôi chùa lớn, nếu để địch chiếm được sẽ gây bất lợi cho ta. Năm 1947, thực hiện lệnh tiêu thổ kháng chiến, chấp hành lệnh của Uỷ ban kháng chiến tỉnh Kiến An và liên khu 3, chùa Vọng Phúc buộc phải tiêu huỷ không cho địch làm nơi đồn trú”.

Sau khi chùa bị tiêu huỷ, trụ trì chùa là sư tổ Tự Tâm Cẩn đã động viên tăng ni phật tử hưởng ứng lời kêu gọi “Toàn quốc kháng chiến” của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Các tăng ni, phật tử tham gia vào các đội du kích tại địa phương, còn các vị sư tuổi cao thì bám trụ tại các chùa trong vùng để nuôi giấu cán bộ cách mạng. Và cũng tại tổ đình Mỹ Lộc này, 5 nhà sư đã hi sinh thân mình vì đất nước, được nhà nước truy tặng là liệt sĩ kháng chiến chống Pháp, đó là các vị: Hoà thượng Thích Thanh Lãng, Hoà thượng Thích Nguyên Uyển, Đại đức Thích Quảng Tại, sư bác Thích Quảng Hợp, sư bác Thích Quảng Tuệ. Ngoài ra, Hoà thượng Thích Nguyên Uyển cũng có 3 pháp tôn là liệt sĩ.

Chiến tranh đã lùi xa, nhưng hiện hữa trong tâm khảm bao thế hệ con em Mỹ Lộc vẫn còn lưu luyến hình bóng ngôi chùa Vọng Phúc xưa. Dân làng Mỹ Lộc đã chuyển chùa Vọng Phúc về miếu vua Bà và đổi tên là chùa Thắng Phúc Tiên Lãng. Mùa xuân năm 2008, mừng đại lễ Phật đản của Liên hợp quốc được tổ chức ở Việt Nam, chùa Thắng Phúc đã tổ chức lễ động thổ.

Được sự ủng hộ của các cấp chính quyền, trong một thời gian ngắn bãi lầy ven sông Văn Úc được bơm cát, san ủi tạo mặt bằng cho công trình phục dựng chùa Thắng Phúc. Công trình chùa Thắng Phúc toạ lạc trên bãi sông Văn Úc, rộng chừng 7 ha với rất nhiều đơn nguyên kiến trúc hoành tráng, mang đậm phong cách kiến trúc chùa cổ ở vùng châu thổ Bắc bộ. Điều khác biệt giữa chùa Thắng Phúc Tiên Lãng với các ngôi chùa mới xây dựng trong những năm gần đây là không sử dụng kết cấu bê tông cốt sắt mà lấy nguyên liệu chủ yếu là gỗ và đá làm yếu tố chủ đạo tạo lên tổng thể công trình.

Kiến trúc chùa Thắng Phúc

Theo ý tưởng của Đại đức Thích Quảng Minh, trên trục tâm linh dọc theo sông Văn Úc sẽ có 3 cụm kiến trúc chính, có công năng thờ cúng khác nhau: Chính giữa là cụm kiến trúc thờ Phật, phía giáp bờ sông là cụm kiến trúc thờ Mẫu và phía giáp bờ đê là cụm kiến trúc thờ đức thánh Trần. Giai đoạn 1 về cơ bản đã hoàn thành xây dựng cụm kiến trúc thờ Phật với 85 gian gồm: 15 gian thờ chính, 70 gian tổ đường, Kim Cương Đường, La Hán Đường. Ngoài ra còn có vườn tháp, hồ nước, cầu đá và tượng phật bằng đá ngoài trời cao 11m… với quy mô hoành tráng, cụm kiến trúc thờ phật này sử dụng hết 700 khối gỗ và hàng ngàn khối đá.

Nội ngoại thất từng đơn nguyên kiến trúc đều có chạm khắc, đắp vẽ khá tinh xảo theo mẫu chế tác truyền thống thời cuối Lê đầu Nguyễn, được nghệ nhân từ các tỉnh: Nam Định, Ninh Bình, Thừa Thiên Huế đảm nhiệm. Các pho tượng trong Đại hùng bảo điện đều được dát vàng, 100 bức tượng La Hán bằng đá đặt ở 2 dãy hành lang tít tắp, kiến trúc theo lối cổ, mỗi pho nặng tới vài tấn. Hi vọng rằng, trong tương lai chùa Thắng Phúc Tiên Lãng sẽ là nơi giáo dục truyền thống yêu nước và cách mạng, truyền thống “Hộ quốc an dân” của phật giáo Việt Nam.

Bình luận bài viết

Please enter your comment!
Please enter your name here