Chính từ non thiêng Yên Tử, 72.000 người con ưu tú của 5 tỉnh, thành phố: Hải Phòng, Quảng Ninh, Thái Bình, Hải Dương, Hưng Yên, đóng quân, rèn luyện và tỏa đi khắp các mặt trận. Cũng từ đây, hơn 27.000 người đã ngã xuống, trong số đó, hàng nghìn di hài vẫn chưa được tìm thấy.
Lẫn trong đoàn người hành hương về non thiêng Yên Tử những ngày đầu xuân, Hội cựu chiến bình Trung đoàn 5, thuộc Sư đoàn 350, Quân khu Tả Ngạn (nay là Quân khu 3) bồi hồi trở lại căn cứ địa đóng quân năm xưa. Cả đoàn người nghiêm trang ấy đã thắp nén nhang lên bàn thờ của anh linh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp và hơn 27.000 đồng đội đã hy sinh.
Nhân dân ta có câu: “Người có công thì dân lập đền thờ”, đó là đạo lý uống nước nhớ nguồn. Vậy nên, những người cựu chiến binh già hôm nay bồi hồi xúc động mỗi khi nhớ về những người đồng đội của mình ngày xưa còn nằm rải rác khắp các chiến trường trong và ngoài nước.
Cùng với Thượng toạ Thích Quảng Minh – Trụ trì chùa Thắng Phúc, huyện Tiên Lãng, TP. Hải Phòng, những Hội cựu chiến binh của 5 tỉnh phía Bắc đã cùng nhau đứng lên, vận động xã hội hoá để xây dựng dự án. Công trình có ý nghĩa rất to lớn, nhằm mục đích giáo dục truyền thống lịch sử cho các thế hệ con cháu mai sau.
Ngày nay, mỗi du khách thập phương về non thiêng Yên Tử lễ phật thì đều ghé qua đây thắp hương tưởng nhớ đến 27.000 người con ưu tú đã anh dũng hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc.
Trực tiếp rèn luyện tại Yên Tử, Trung tướng Nguyễn Tiến Long – nguyên Tư lệnh Quân khu 3 – rất xúc động khi nghĩ về những người đồng đội đã cùng rèn luyện, chiến đấu trong hai cuộc chiến tranh khốc liệt của dân tộc.
“Đơn vị được giao nhiệm vụ trú quân, rèn luyện ở Yên Tử để đi chiến đấu ở các chiến trường. Mỗi chiến sĩ đều có vinh quang được mang linh khí hào hùng của cả dân tộc, của hàng nghìn đời để lại” – Trung tướng Long nói.
Chỉ trong một thời gian ngắn, bằng sức người sức của, Hội Cựu chiến binh Trung đoàn 5 Yên Tử đã xây dựng được ngôi đền sừng sững 500m2 bằng gỗ lớn nhất cả nước.
Về với Yên Tử hôm nay, những người lính ấy đều mang trong mình niềm mong mỏi những người đồng đội đã hi sinh, những người còn nằm rải rác tại các chiến trường sẽ không còn bơ vơ, bởi lẽ từ nay các anh đã có nơi thờ tự.
Dự án được xây dựng trên diện tích 2,2ha, với 10 hạng mục chính. Trong đó ngôi đền thờ các anh hùng liệt sĩ đồng thời cũng là điểm nhấn của dự án được tọa lạc trên một khu đất cao ở thế “Long chầu Hổ phục”. Kinh phí dự toán gần 40 tỉ đồng, hoàn toàn bằng nguồn vốn xã hội hóa.