Vị đại danh y được tôn vinh là ông tổ phương pháp dưỡng sinh

0
405

Thời Hậu Lê có một vị danh y được tôn vinh là thần y, ông tổ phương pháp dưỡng sinh với những kiến thức về bảo vệ sức khỏe. Đó chính là đại danh y Đào Công Chính, với tác phẩm tiêu biểu là “Bảo sinh diên thọ toàn yếu”, bộ sách cẩm nang dưỡng sinh từ thế kỷ 16-17 mà đến nay vẫn còn nguyên giá trị.

ong-to-phuong-phap-duong-sinh (1)

Tài liệu Hán Nôm lưu trữ tại nhà thờ họ Đào ghi rõ, đại danh y Đào Công Chính sinh ngày mùng 2 tháng 7 năm Kỷ Mão (năm 1639), chưa rõ năm mất, tại làng Hội Am, tên Nôm là làng Cõi, thuộc huyện Vĩnh Lại, xứ Hải Dương (nay là làng Hội Am, xã Cao Minh, huyện Vĩnh Bảo, thành phố Hải Phòng) vùng đất văn nhân hào kiệt, có Phạm Đức Khản đỗ Tiến sĩ đệ nhị giáp khoa thi năm Mậu Thìn (1448), vị Tiến sĩ đầu tiên của Hải Phòng.

ong-to-phuong-phap-duong-sinh (3)

Đại danh y Đào Công Chính vốn có tên khai sinh là Đào Dĩnh Đạt, húy Trứ, thụy là Hoằng Nghị, khi ra thi mới đổi tên là Công Chính. Ông xuất thân trong một gia đình Nho học lâu đời. Bố là Đào tướng công hiệu Nhã Hành làm quan Tri phủ, phủ Nam Sách, Hải Dương; mẹ là Nguyễn Thị hiệu Diệu Tín.

Theo gia phả ngành họ Đào thôn Lang Viên, xã Hồng Dụ, huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương hiện giữ được thì đời Hậu Lê, đời Mạc, tiên tổ của Đào Công Chính có nhiều người đậu trung khoa, có người vào học Quốc Tử Giám. Thuở nhỏ ông nổi tiếng thông minh ham học và có thể xem là bậc kỳ tài, năm 13 tuổi đã đi thi Hương, đậu Hương cống. Ông nội của đại danh y Đào Công Chính là Đào tướng công húy Cương tự Trực Tiết thụy Cối Kê tiên sinh được triều đình nhà Mạc phong tước Vĩnh Nhân công. Cụ từng mở trường dạy học, sĩ tử theo học rất đông.

ong-to-phuong-phap-duong-sinh (6)

Năm 23 tuổi đời Lê Thần Tông, ông đậu Bảng nhãn. Vì vậy, dân làng còn gọi ông là Bảng Cõi. Được vua yêu, chúa quý nên đại danh y Đào Công Chính thăng tiến rất nhanh, chỉ trong vòng 15 năm (1661-1676) từ Thị thư hàn lâm viện, ông đã được bổ nhiệm chức Phủ doãn phụng thiên (người đứng đầu kinh đô Thăng Long, nay là Hà Nội).

Năm 1673, Đào Công Chính được triều đình cử làm phó sứ đoàn Hộ sĩ dương sang Trung Quốc. Năm 1675 về nước, do hoàn thành tốt nhiệm vụ, khi trở về ông được phong chức Lại bộ Hữu thị lang, nhập thị kinh diên giảng quan (người giảng sách cho vua) rồi Tăng tả thị lang, Quang tiến Thận lộc đại phu, Bồi tụng (như chức Phó Thủ tướng Chính phủ hiện nay).

Đào Công Chính còn là tác gia quan trọng của thế kỷ 17, khi còn là thị thư hàn lâm viện, ông là đồng tác giả tham gia biên soạn “Đại Việt sử ký toàn thư”, biên tập phần kỷ tục biên hoàn thành (năm 1665).

Khi nhập thị kinh diên (giảng sách cho vua) trong vòng 2 năm (1675-1676) cùng lúc ông làm sử quan tổng tài (chủ biên) biên tập 2 bộ quốc sử nổi tiếng là: “Trùng san Lam Sơn thực lục” và “Đại Việt Lê triều đế vương trung hưng công nghiệp thực lục”.

ong-to-phuong-phap-duong-sinh (3)

Đặc biệt năm 1676, Đào Công Chính biên soạn sách “Bảo sinh Diên thọ toản yếu” theo chỉ dụ của vua Lê Hiển Tông và chúa Trịnh Căn, nội dung sách viết về thuật dưỡng sinh cho vua, quan, chưa phải cho thứ dân nhưng sách viết rất toàn diện cả về lý luận lẫn thực tiễn, phòng bệnh, chữa bệnh, rèn luyện hướng dẫn cách ăn uống, kiêng kỵ, tắm giặt, nghỉ ngơi và sinh hoạt… Sách bám sát thực tế của nhân dân và được thừa nhận vận dụng có kết quả, được các bậc danh y sau này tiếp thu, vận dụng, phát triển nâng cao, vì vậy ông còn được tôn vinh là “Đức Thánh thuốc nam, Hội Am Vĩnh Lại”.

Bộ “Bảo sinh Diên thọ toản yếu” gồm 5 quyển, bàn về phép vệ sinh, dưỡng sinh để sống khỏe và kéo dài tuổi thọ, cũng là cuốn sách y lý sớm nhất nước ta, có giá trị cho đến ngày nay.

PGS. TS, Thầy thuốc Nhân dân Nguyễn Xuân Cảnh cho rằng, “Bảo sinh Diên thọ toản yếu” của Đại Danh y Đào Công Chính là tác phẩm có giá trị lớn và hàng đầu về lĩnh vực dưỡng sinh ở Việt Nam. Tác phẩm có những nội dung nêu lên sự quý giá của sinh mệnh con người trong vũ trụ, về những thứ gây hại đến sức khỏe và cách phòng tránh, những thứ nên làm để tăng cường sức khỏe và ý nghĩa của bảo vệ sức khỏe. Ngoài ra, tác phẩm cũng hướng dẫn cách ăn, những thứ nên ăn, những việc nên làm sau khi ăn, cách ngủ, hoạt động điều độ để tăng cường sức khỏe, phép dưỡng thể chất…

ong-to-phuong-phap-duong-sinh (2)

Năm 2004, Nhà xuất bản Thông tấn đã ấn hành bộ “Bảo sinh Diên thọ toản yếu”.

Chính vì vậy, ông được xem là một nhà chính trị, nhà văn hóa lớn, tác gia, nhà sử học, nhà ngoại giao, đặc biệt là Thần Y – nhà dưỡng sinh học đại trí, đại nhân, trác việt nổi tiếng của quốc gia Đại Việt thế kỷ 17.

Ông được suy tôn là một trong ba đại danh y của Việt Nam, có công lớn trong việc xây dựng nền y học cổ truyền dân tộc, tạo thế kiềng ba chân vững chắc: “Y học đối với Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác, Dược học đối với Tuệ Tĩnh, Dưỡng sinh học đối với Đào Công Chính”.

Nhằm tri ân những công lao, đóng góp, cống hiến của Đào Công Chính đối với nền y học, văn học, văn hóa dân tộc, ngày 8/10/2011, UBND thành phố Hải Phòng có công văn 5906/UBND về chủ trương xây dựng khu lưu niệm Danh y Đào Công Chính tại xã Cao Minh, quê hương cụ. Công trình đã khánh trạch vào ngày 18/7 vừa qua và cung nghinh thần tượng danh y.

ong-to-phuong-phap-duong-sinh (4)

Công trình được gắn biển kỷ niệm 85 năm ngày thành lập Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên – tiền thân của Đảng bộ huyện Vĩnh Bảo ngày nay (8/8/1938 – 8/8/2023) và 185 năm thành lập huyện Vĩnh Bảo (1838-2023).

Thần tượng đại danh y bằng chất liệu đồng, mặc triều phục, cao 107cm, bệ cao 10 cm, nặng 198 kg, được Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Viết Thạnh (làng nghề mỹ nghệ Sơn Đồng, huyện Hoài Đức, Hà Nội) chế tác, Hội đồng hương Vĩnh Bảo tại Hà Nội cung tiến.

Ở gian giữa trung tâm đặt thần tượng đại danh y Đào Công Chính và 2 bài vị phục dựng thời Hậu Lê thờ cụ và phu nhân. Tả ban đặt bài vị thờ ông nội và song thân của đại danh y. Hữu ban đặt bài vị thờ tri ân nhà báo lão thành Đỗ Phượng (nguyên Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam) và Trung tướng Vũ Văn Ba (nguyên Cục trưởng Cục Dân quân tự vệ, Bộ Tổng tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam). Nhà báo Đỗ Phượng và Trung tướng Vũ Văn Ba chính là hai người đã có công góp phần tìm và khơi nguồn lại thân thế, sự nghiệp Bảng nhãn Đào Công Chính.