Chùa Thắng Phúc và những điều có thể bạn chưa biết

0
9447

Chùa Thắng Phúc (hay còn gọi là Chùa Vọng Phúc) là một điểm đến tâm linh nổi tiếng của Hải Phòng. Chùa hiện đang được trụ trì bởi Đại Đức Thích Quảng Minh – ủy viên thường thường trực BTS GHPGVN Thành phố Hải Phòng. Hãy cùng chúng tôi khám phá kiến trúc cổ kính và những kỷ lục độc đáo chỉ có ở Chùa Thắng Phúc ngay trong bài viết này nhé.

chua-thang-phuc
Chùa Thắng Phúc và những điều có thể bạn chưa biết

Giới thiệu về Chùa Thắng Phúc

Vị trí địa lý Chùa Thắng Phúc

Chùa Thắng Phúc là một ngôi cổ tự nằm yên bình bên bờ sông Văn Úc cạnh bến đò An Tháp, thuộc khu đất thắng địa đầu làng Mỹ Lộc, huyện Tiên Thắng, thành phố Hải Phòng. Đây là một ngôi cổ tự trang nghiêm nằm yên bình bên bờ sông Văn Úc cạnh bến đò An Tháp, mặt hướng ra biển Đồ Sơn, lưng tựa núi Voi An Lão. Từ trung tâm thành phố, bạn đi qua cầu Khuể chừng 6-7 km là đến Chùa.Sơ lược nghìn năm lịch sử Chùa Thắng Phúc

Không ai biết chính xác Thắng Phúc tự được xây dựng từ niên đại nào. Dựa theo các dấu tích, thư tích, văn bia ghi lại cho thấy ngôi Chùa được xây dựng cách đây hơn 800 năm từ thời Nhà Lý với hàng ngàn công trình kiến trúc Chùa chiền khác.

Theo sử chép, đất nước vào đời Nhà Lý thứ 3 Vua Lý Nhân Tông (1072 – 1127) được thái bình, muôn dân trăm họ vui sống làm ăn và triều đình lại rất quan tâm đến đạo Phật, dựa vào Phật giáo để trị vì đất nước. Theo đó, nhà Lý đã chi hơn một trăm ngàn vạn quan tiền để xây dựng 1.000 ngôi Chùa nhằm cầu cho quốc thái dân an. Trong đó, ngôi Chùa lớn nhất là Chùa Phật Tích ở Bắc Ninh, được coi là cái nôi của đạo Phật ở Việt Nam, nó đánh dấu thời kỳ thịnh trị của Nhà Lý và sự phát triển mạnh mẽ của Phật Giáo ở nước ta.

Căn cứ vào các dấu tích của các ngôi Chùa lớn được xây dựng vào thời nhà Lý, dấu tích niên hiệu gạch xây đế móng Chùa cũ và các bản dịch bia ký ở Chùa để so sánh và nhận định Chùa Vọng Phúc dược xây dựng vào khoảng 1115 – 1117, thời gian xây dựng khoảng 20 năm. Trải qua các đời Lý – Trần – Lê – Nguyễn với ước tính khoảng 62 đời Sư tổ trụ trì, Chùa tiếp tục được trùng tu và phát triển trở thành ngôi Chùa đẹp nhất của vùng Duyên hải Bắc bộ.

Dưới thời kháng chiến chống Pháp, vì là một ngôi Chùa lớn nằm ở vị trí giao thông thuận lợi, nếu để địch chiến làm nơi đồn trú sẽ gây bất lợi cho ta. Năm 1947, chấp hành lệnh của Ủy ban kháng chiến, Chùa Vọng Phúc đã buộc phải tiêu thổ hoàn toàn.

Cố đại lão Hòa thượng Thích Nguyên Thi đã chuyển Phật về thờ tại ngôi miếu Nguyên Phi Ỷ Lan trong làng và luôn mong muốn được dựng lại ngôi Chùa Thắng Phúc tại chính địa điểm đất Chùa xưa. Thế nhưng chưa kịp hoàn thành tâm nguyện thì người đã viên tịch theo quy luật của tạo hóa.

Được sự quan tâm của Giáo hội phật giáo thành phố Hải Phòng và chính quyền địa phương, Đại đức Thích Quảng Minh đã nối tiếp công việc của cố Hòa thượng, cùng với quý phật tử gần xa và nhân dân địa phương tiến hành tái thiết lại ngôi Chùa bắt đầu từ năm 2008.

Kiến Trúc Chùa Thắng Phúc

Kiến trúc Chùa Thắng Phúc trước năm 2008

Theo như tịch cổ, Chùa Thắng Phúc xưa gồm 87 gian xây dựng theo kiểu “nội công ngoại quốc” rất kiên cố . Chùa được làm bằng gỗ lim cột lớn nguyên khối, lợp ngói mũi hài cổ kính thấp thoáng dưới bóng cổ thụ xanh um. Đứng trên bờ đê cao nhìn xa thấy hàng trăm gian Chùa uy nghiêm hòa vào những tán cây xanh bên dòng sông uốn lượn tạo nên một vẻ đẹp thanh khiết, huyền ảo nơi cửa Phật.

Trong khuôn viên Chùa, ngoài vườn tháp được quy hoạch gọn gàng còn có 2 pho tượng hộ pháp “khuyến thiện” và “trừng áp” cao sừng sững đứng nhìn ra sông. Sân Chùa có rất nhiều tượng các loài thú dữ gồm voi, sư tử, hổ, cá sấu… đang quỳ chầu như thể hiện sự quy phục trước Đức Phật từ bi. Nội điện trưng bày nhiều tượng quý và các đồ thờ có giá nghệ thuật cao như đại tự, hoành phi, cửa võng, câu đối…

Kiến trúc Chùa Thắng Phúc sau năm 2008

Hơn 60 năm chịu cảnh hoang phế, nhờ sự giúp đỡ của Giáo hội và các cấp chính quyền, nhờ công lao vô lượng của Đại Đức Thích Quảng Minh, Chùa Thắng Phúc đã được phục dựng ngay chính nền Chùa Vọng Phúc xưa. Công trình Chùa Thắng Phúc tọa lạc trên bãi sông Văn Úc mang đậm phong cách kiến trúc Chùa cổ ở vùng châu thổ Bắc bộ.

Theo ý tưởng của Trụ Trì Thích Quảng Minh, Chùa mới được xây dựng gồm có 3 khu thờ tự:
– Giáp bờ đê: cụm kiến trúc thờ thánh nhân.
– Chính giữa: cụm kiến trúc thờ Phật.
– Giáp sông Văn Úc: cụm kiến trúc thờ Mẫu.

Trong đó, cụm kiến trúc thờ Phật được tạo nên từ 700 khối gỗ và hàng ngàn khối đá với 85 gian thờ (gồm 15 gian thờ chính và 70 gian Tổ đường, La Hán đường, Kim Cương đường…). Trong ngôi Bảo Điện chính, Tổ đường, Kim cương đường có 25 pho tượng được làm bằng nhiều chất liệu. Nổi bật nhất là 2 pho tượng lớn được chế tác, mang từ Thái Lan và Trung Quốc về.

Chung quanh Chùa Thắng Phúc đều được trang trí hoa và cây cảnh. Nội ngoại thất từng đơn nguyên kiến trúc đều được đắp đá, chạm khắc tinh xảo theo mẫu chế tác truyền thống thời cuối Lê đầu Nguyên bởi bàn tay nghệ nhân đến từ các tỉnh Ninh Bình, Nam Định, Thừa Thiên Huế… đảm nhiệm. Đặc biệt, 100 bức tượng La Hán bằng đá nặng tới vài tấn được đặt ở hai dãy hành lang típ tắp, kiến trúc theo lối cổ ấn tượng.

Pho tượng Phật niết bàn bằng gỗ lớn nhất Việt Nam

Thông tin về pho Phật Tượng bằng gỗ lớn nhất Việt Nam

Pho tượng Đức Phật Thích Ca Mâu Ni nhập niết bàn được khởi công chế tác từ ngày 26/2 năm Đinh Dậu (nhằm ngày 23/3/2017 dương lịch). Khối gỗ để tạc nên pho tượng là gỗ Cẩm Lau nguyên khối nặng 15 tấn, có xuất xứ từ Châu Phi do một doanh nhân cúng tiến. Nhận thấy đây là một khối gỗ thuộc dạng quý hiếm, Đại đức Thích Quảng Minh đã chuyển khối gỗ đến xưởng mộc của nghệ nhân Nguyễn Thanh Nội để chế tác pho tượng Đức Phật Thích Ca Mâu Ni nhập niết bàn. Sau gần 1 năm chế tác, pho tượng Phật niết bàn đã được hoàn thành với chiều cao 1.9 m, chiều dài 7.7m và trọng lượng hơn 10 tấn. Có thể nói đây là Phật Tượng làm bằng gỗ lớn nhất Việt Nam cho đến thời điểm hiện tại.

An vị pho Phật tượng niết bàn bằng gỗ lớn nhất Việt Nam

Sáng ngày 19/12 năm Đinh Dậu (nhằm ngày 4/2/2018 dương lịch), pho tượng Đức Phật Thích Ca Mâu Ni nhập niết bàn đã được rước từ nơi chế tác về Chùa Thắng Phúc để chuẩn bị cho buổi lễ an vị Phật Tượng, cầu nguyện Quốc thái dân an vào sáng ngày 24/1 năm Mậu Tuất.

Đây còn được xem là một công trình kiến trúc tạo nên điểm nhấn về du lịch văn hóa tâm linh thu hút du khách thập phương đến thăm của huyện Tiên Lãng nói riêng và của thành phố Hải Phòng nói chung.

Cây gạo di sản hơn 500 tuổi tại Chùa Thắng Phúc

Chiêm ngưỡng cây gạo di sản hơn 500 tuổi

Về Tiên Lãng, bạn còn có dịp chiêm ngưỡng cây gạo cổ thụ xòe tán rộng có hơn 500 năm tuổi, phần thân cây có chu vi 7.5m, đường kính 2.38m, độ cao hơn 20m. Trong Đại Việt sử ký toàn thư có ghi: Tháng 4/1527, vua Lê Cung Hoàng sai bọn dương hầy mang cờ quạt mũ áo đến làng Cổ Trai, huyện Nghi Dương làm lễ tấn phong cho Mạc Đăng Dung là An Hưng Vương. Mạc Đăng Dung đón tiếp sứ thần nhà Lê tại bến An Tháp, khi đó trước Chùa Thắng Phúc đã có cây gạo này.

Cây gạo cổ thụ gắn liền với lịch sử đấu tranh cách mạng và văn hóa tâm linh của người dân làng Mỹ Lộc qua bao đời. Mặc dù trải qua nhiều cuộc chiến tranh khốc liệt, chịu nhiều sự tác động của dòng sông nhưng cây gạo vấn được chăm sóc bảo tồn xanh tốt, tạo cảnh quan đẹp.

Vinh danh cây gạo di sản 500 tuổi Chùa Thắng Phúc

Ngày 17/2/2014, Hội Bảo vệ Thiên nhiên & Môi trường Việt Nam (VACNE) đã phối hợp cùng chính quyền địa phương tổ chức Lễ vinh danh Cây Di sản Việt Nam cho cây gạo có hơn 500 năm tuổi ở làng Mỹ Lộc. Bởi đây là nhân chứng lịch sử, là biểu tượng của tinh thần kiên cường, bất khuất, quyết thắng của huyện Tiên Lãng và thành phố Hải Phòng. Buổi lễ có sự tham gia của đông đảo các vị lãnh đạo cấp cao của huyện và Hội Bảo vệ Thiên nhiên & Môi trường TP Hải Phòng, cùng chúng Tăng ni, Phật tử.

Ngay tại buổi Lễ công nhận này, các vị lãnh đạo huyện Tiên Lãng đã chỉ đạo chính quyền địa phương các cấp nhanh chóng quy hoạch, mở rộng không gian sống cho cây và tạo cảnh quan cho khu vực này. Nếu để mất cây, là có tội với tổ tiên và có lỗi với quê hương.

Ngôi Chùa có 5 vị sư là liệt sĩ chống Pháp

Huyền tích ngôi Chùa có 5 vị sư là liệt sĩ

Vào năm 1947, sau khi tiêu hủy toàn bộ ngôi Chùa, Sư tổ Tự Tâm Cẩn đã động viên tăng ni, phật tử hưởng ứng lời kêu gọi “Toàn quốc kháng chiến” của Hồ Chủ tịch. Nghe theo lời di huấn của Sư tổ: các tăng ni, tu sĩ trẻ tuổi thì tham gia vào hoạt động trong các đội du kích địa phương, còn các vị sư tuổi cao thì bám trụ tại các Chùa và lập thành Hội Tăng già cứu quốc để nuôi giấu các cán bộ tham gia kháng chiến.

Và rồi cũng tại đất Mỹ Lộc này, 5 vị sư của Chùa Thắng Phúc trong số 8 tăng ni, hòa thượng của toàn huyện đã ngã xuống vì đất nước. Gồm: Đại đức Thích Quảng Hợp, Hoà thượng Thích Nguyên Uyển, Hoà thượng Thích Thanh Lãng, Sư Bác Thích Quảng Tại, Sư bác Thích Quảng Tuệ.

Đại đức Thích Quảng Minh kể về sự hy sinh anh dũng của các vị sư: Mỗi vị sư hy sinh trong mỗi hoàn cảnh khác nhau nhưng đều phải chịu sự tra tấn thể xác dã man.

Ý nghĩa của sự hy sinh của 5 vị sư Chùa Thắng Phúc

Sự hy sinh của 5 vị sư Chùa Thắng Phúc mãi là bài học lịch sử cao đẹp giáo dục cho thế hệ mai sau về chí khí cách mạng, lòng yêu nước và tinh thần Hộ quốc an dân. Như Đại đức Thích Quảng Minh chia sẻ: “Tiên Lãng là huyện có nhiều Chùa chiền nhất ở Hải Phòng với 106 ngôi Chùa. Chúng tôi là con cháu hậu duệ của chư tổ, các sư tổ, tiền bối, những người kế thừa sự nghiệp của Thầy tổ tự thấy rất vinh hạnh và tự hào. Chúng tôi luôn lấy những tấm gương hy sinh của các vị sư để giáo dục cho các tăng ni, Phật tử tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc”.

Nếu có dịp đến Hải Phòng, bạn không nên bỏ qua một chuyến tham quan, khám phá nét đẹp văn hóa Chùa Thắng Phúc. Bên cạnh đó là tìm đến chốn thanh tịnh, xua tan đi mọi mệt mỏi, lo toan trong cuộc sống.

Bình luận bài viết

Please enter your comment!
Please enter your name here