Đại lễ cầu siêu cho nạn nhân bị chết trong nạn đói năm 1945 tại Chùa Thắng Phúc

0
3110

Sáng ngày 31 tháng 8 năm 2015 nhằm ngày 18 tháng 7 năm Ất Mùi, tại chùa Thắng Phúc, Thôn Mỹ Lộc, xã Tiên Thắng, huyện Tiên Lãng, Hải Phòng đã diễn ra đại lễ vu lan PL.2559 – DL.2015 và đại lễ cầu siêu, tưởng niệm hơn 2 triệu nạn nhân chết trong nạn đói năm Ất Dậu 1945 trên cả nước nhân kỷ niệm 70 năm ngày cách mạng tháng 8 thành công và quốc khánh mùng 2 tháng 9 trên tinh thần tri ân và báo ân của đạo Phật.

Chùa Thắng Phúc tổ chức Đại lễ cầu siêu cho nạn nhân bị chết trong nạn đói năm 1945

Quang lâm và chứng minh buổi Đại lễ cầu siêu tại chùa Thắng Phúc có Hòa thượng Thích Quảng Tùng – Phó chủ tịch HĐTS TƯ GHPGVN, trưởng BTS GHPGVN Tp. Hải Phòng; TT. Thích Thanh Giác – Phó ban hoằng pháp TƯ GHPGVN, Phó trưởng ban thường trực BTS GHPGVN Tp. Hải Phòng, TT. Thích Thanh Vân – Phó trưởng Ban thường trực BTS GHPGVN tỉnh Hải Dương, Đại đức Thích Quảng Minh – Ủy viên TT GHPGVN Tp. Hải Phòng, trưởng BTS GHPGVN huyện Tiên Lãng, trưởng BTC đại lễ cùng đông đảo chư tôn thiền đức Tăng Ni nội, ngoại thành của thành phố Hải Phòng và chư tôn đức Tăng Ni các tỉnh, thành phố lân cận.

dai-le-cau-sieu-tai-chua-thang-phuc

Về phía chính quyền khách mời có sự hiện diện của ông: Lê Khắc Nam– Phó chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng, ông: Nguyễn Hữu Doãn – Ủy viên thường vụ thành ủy, trưởng Ban tuyên giáo thành ủy, ông: Hoàng Văn Kể – Nguyên phó chủ tịch UBND tp. Hải Phòng. Về phía khách mời huyện có sự hiện diện của ông: Nguyễn Văn Tùng – Bí thư huyện ủy huyện Tiên Lãng, cùng các ông bà đại diện huyện ủy, HĐND, UBND, UBMTTQ cùng các ban ngành đoàn thể của huyện Tiên Lãng và đông đảo quý Phật tử, quý thiện nam, tín nữ, các nhân chứng lịch sử của nạn đói năm 1945 cũng về tham dự Đại lễ.

Sau nghi thức chào Quốc Kỳ, Đạo kỳ, một phút nhập từ bi quán tưởng niêm hơn 2 triệu đồng bào chết đói năm 1945, thay mặt cho BTS GHPGVN huyện Tiên Lãng, Đại đức Thích Quảng Minh đã lên tuyên đọc Diễn văn khai mạc Đại lễ cầu siêu, tưởng niệm hơn 2 triệu nạn nhân chết đói năm Ất Dậu 1945 trên cả nước.

Chỉ trong 7 tháng, số lượng người chết đói đã lên tới hơn 2 triệu người, bằng 10% dân số cả nước vào thời gian đó, tập trung chủ yếu ở 32 tỉnh củ ở phía Bắc, từ Quảng trị trở ra. Nhiều nhất là ở các tỉnh vùng đồng bằng Bắc Bộ như: Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Hải Dương, Hưng Yên, nhiều làng, xã chết 50 đến 80% số dân, nhiều gia đình, dòng họ không còn ai. Hải Phòng là thành phố lớn, người dân ở nhiều miền quê kéo về kiếm ăn rất đông, do đó số người chết đói la liệt khắp nơi, ở các làng quê của huyện Kiên An cũ có nơi chết đói tới 50% dân số, nhiều gia đình chết không còn ai. Chỉ tính từ tháng 1 đến tháng 3 năm 1945, ở Hải Phòng, Kiến An số người chết lên tới 60 ngàn người trong đó số người dân chết đói của huyện Tiên Lãng là khoảng 6.700 người bằng 10% dân số trên cả huyện.

Tại buổi Đại lễ cầu siêu tại chùa Thắng Phúc, Hòa thượng Thích Quảng Tùng cũng đã lên tuyên đọc lại điếu văn truy điệu tưởng niệm các nạn nhân chết đói năm Ất Dậu 1945 của Giáo sư Vũ Khiêu, toàn thể đại chúng đã đứng dậy, trang nghiêm, lắng đọng tâm tư để tưởng nhớ tới các nạn nhân đã bị tử nạn vào năm 1945 với niềm cảm thông và tiếc thương vô hạn, nhiều đồng bào, Phật tử, nhân dân có mặt tại buổi lễ đã không cầm được nước mắt trước sự mất mát to lớn và đau thương này mà trong lịch sử Việt Nam chưa bao giờ có vụ chết choc nào lớn đến như vậy.

Cũng trong buổi lễ, nhà nghiên cứu Nguyễn Phúc Giác Hải – Phó viện trưởng Viện nghiên cứu và ứng dụng tiềm năng con người cùng với nhà sử học Ngô Đăng Lợi cũng là những nhân chứng lịch sử đã ôn lại lịch sử đau thương của nạn đói năm Ất Dậu 1945.

Nhân dịp này, trên tinh thần từ bi, cứu khổ, ban vui của đạo Phật, Ban trị sự GHPGVN Tp. Hải Phòng đã trao 160 phần quà cho các hộ gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn huyện Tiên Lãng nhân mùa Vulan PL.2559 – DL. 2015.

Trước khi kết thúc buổi lễ, Chư tôn đức Tăng ni đã làm lễ dâng hương bạch Phật và lễ tưởng niệm hơn 2 triệu nạn nhân tử nạn do nạn đói hoành hành vào năm 1945 và cầu cho các vong linh sớm được siêu sinh về cảnh giới lành, siêu sinh về cõi Tây Phương Cực Lạc.

Buổi chiều cùng ngày các Phật tử, đồng bào và nhân dân địa phương sẽ được giao lưu, nói chuyện với các nhà ngoại cảm đến từ Viện nghiên cứu và ứng dụng tiềm năng con người.

Sau đây là một số hình ảnh ghi nhận tại Đại lễ cầu siêu:

Bình luận bài viết

Please enter your comment!
Please enter your name here